Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2021 giảm 3,75% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2021 giảm 3,75% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới 9 tháng năm 2021 dần hồi phục khi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc – xin phòng chống dịch Covid-19 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời triển khai các gói kích thích tăng trưởng kinh tế và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa. Trong nước, sự bùng phát dịch Covid-19 cùng với các đợt giãn cách xã hội từ đầu năm đến nay khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2021 giảm 3,75% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc – xin phòng chống dịch Covid-19 trên quy mô rộng, nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến phục hồi không đồng đều và chưa vững chắc. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài, các mức thuế quan nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ không thay đổi. Giá cả trên thị trường quốc tế nhiều biến động.
Nhiều quốc gia triển khai các gói kích thích tăng trưởng, đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế làm nhu cầu sử dụng nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng khiến giá các mặt hàng này tăng nhanh trên thị trường thế giới.
Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm nay giảm 3,75%
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm nay giảm 3,75% so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu, đạt mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 3,28%; nhóm nhiên liệu tăng 8,86%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,62%.
Trong 40 nhóm hàng xuất khẩu chính, 32 nhóm hàng có chỉ số giá 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá xuất khẩu sắt, thép tăng cao 24,37% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,6%) do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu cho sản xuất, xây dựng tăng. Giá xuất khẩu xăng dầu các loại tăng 13,06% tăng theo giá nhiên liệu thế giới.
Giá xuất khẩu gạo tăng 8,92% do Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo khi giá trong nước cao, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trong báo cáo tháng 7/2021 đã nâng 20% mức dự báo về nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2021 lên 3,8 triệu tấn; chi phí vận chuyển tăng cao đã đẩy giá gạo xuất khẩu trên thế giới tăng. Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu tiêu thụ gạo tăng, trong khi thu hoạch lúa gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Giá xuất khẩu hàng may mặc bình quân 9 tháng tăng 8,64% do hoạt động thương mại toàn cầu dần được phục hồi. Giá xuất khẩu phân bón tăng 12,68% do chi phí đầu vào tăng cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần chỉ trong 7 tháng đầu năm….; sự gia tăng chi phí vận chuyển cùng với sự thiếu hụt công-ten-nơ vận chuyển tại các cảng biển và những tác động tiêu cực đến từ dịch Covid-19; chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến nguồn cung phân bón trên thế giới giảm. Ngoài ra, nhu cầu phân bón ở các nước sản xuất ngũ cốc tăng mạnh từ cuối năm 2020.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 tăng 6,03%, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 4,36%; nhóm nhiên liệu tăng 34,13%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 4,92%.
Trong 42 nhóm hàng nhập khẩu chính, 35 nhóm hàng có chỉ số giá 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 42,5% do mức dự trữ thấp ở châu Âu và việc cắt giảm một số nhà máy ở Louisiana (Mỹ) làm cho nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của châu Á và châu Âu tăng, đặc biệt do nắng nóng, khô hạn kéo dài tại một số khu vực của nước Mỹ nên các nhà máy phát điện sử dụng khí để sản xuất điện cho điều hòa không khí.
Giá nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 36,05, tăng theo giá dầu thô thế giới; Giá nhập khẩu sắt, thép tăng 17,93% do nguồn cung trên thế giới giảm trong khi nhu cầu sắt thép trong giai đoạn phục hồi kinh tế của các nước tăng mạnh.
Giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 14,42% do biến đổi khí hậu làm mất mùa khiến sản lượng các loại ngũ cốc của một số quốc gia sụt giảm, chi phí vận chuyển tăng cao vì thiếu tàu biển và công-ten-nơ rỗng, trong khi nhu cầu thế giới tăng, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phục vụ nhu cầu trong nước đã khiến giá nhập khẩu các sản phẩm thuộc nhóm hàng thức ăn gia súc tăng mạnh.