Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, nhưng tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, nhưng tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Thông tin nhanh tại Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, với các biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp và thương mại tháng 9 có dấu hiệu khả quan.
Thông tin từ Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 9 đã có sự tăng trưởng trở lại, chỉ số SXCN (IIP) tháng 9 đã tăng 5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 4,3% so với với tháng 7.) Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước SXCN tháng 9 vẫn giảm 5,5%. Tính chung 9 tháng năm 2021, SXCN ước tính vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, xuất khẩu đang chững lại kể từ tháng 8 (tháng 8 giảm 6% so với tháng 7), tuy nhiên sang tháng 9 mức giảm đã thấp hơn (tháng 9 chỉ giảm 0,8% so với tháng 8). Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao (18,8%) đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch ở trong nước thì đây là một nỗ lực rất lớn của các ngành, lĩnh vực.
Nhập khẩu trong hai tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm (tháng 9 giảm 3,1% so với tháng 8, tháng 8 giảm 5,5% so với tháng 7). Tuy nhiên so với cùng kỳ thì nhập khẩu tháng 9 vẫn tăng 9,5%. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, nhiều tỉnh/thành phố đã dỡ bỏ giãn cách, hoạt động của các chợ đầu mối và chợ truyền thống đã dần mở cửa trở lại.
Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 tăng khoảng 6,5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7). Tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,7%).
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Về giải pháp trong những tháng cuối năm của ngành Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, toàn Ngành sẽ nỗ lực thực hiện 5 nhiệm vụ:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Thứ ba, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.