Sở Công Thương Hà Nội đã công bố danh sách các đơn vị, điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn có triển khai hình thức bán hàng trực tuyến trên Cổng thông tin của Sở.
Sở Công Thương Hà Nội đã công bố danh sách các đơn vị, điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn có triển khai hình thức bán hàng trực tuyến trên Cổng thông tin của Sở.
Theo đó, có 600 điểm bán hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện của Thành phố và 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Cụ thể: Công ty cổ phần thực phẩm sạch Clevefood (8 điểm), Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Lan Chi (8 điểm), Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (3 điểm), Công ty TNHH TMĐT Goldfriut Việt Nam (9 điểm), Công ty TNHH Luôn Tươi Sạch (13 điểm), Công ty CP Sói Biển Trung Thực (20 điểm), Công ty CP Kids Plaza (7 điểm), Công ty CPTM và DVTH Đức Thành (3 điểm), Công ty CP quốc tế Homefarm (13 điểm), Chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Công ty TNHH bán lẻ BRG (62 điểm), Co.opFood miền Bắc (30 điểm), Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), Công ty TNHH AEON Việt Nam, Shopee…
Các điểm này đều bán thực phẩm tươi sống, chế biến, hàng hóa thiết yếu, theo hình thức đặt hàng qua điện thoại, trang web, qua các ứng dụng như Zalo, Apps, kênh Gozek, Now, hotline…
Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung của Bộ Công Thương, ngày 30/8, thị trường trên địa bàn tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (gồm 30/449 chợ, 01/103 siêu thị và 6/1800 cửa hàng tiện ích).
Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.
Bộ Công Thương cho biết, tại Thành phố Đà Nẵng, trong ngày 30/8, thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố ơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; giá hàng hóa ổn định. Các hệ thống phân phối lớn (Co.op, Big C, MM Mega Market…) cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không tăng giá, đồng thời thực hiện các chương trình giảm giá 20-30% một số mặt hàng thiết yếu.
Tỉnh Nghệ An đã quyết định cho Thành phố Vinh tiếp tục thực hiện biện pháp cao hơn một mức so với Chỉ thị 16 thêm 03 ngày, đến ngày 0h00 ngày 2/9. Giá cả và hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố Vinh và các huyện thị xã hiện ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 30/8, thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hòa tương đối ổn định; sức mua giảm; nguồn cung hàng hóa khá đồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Người dân chủ yếu đặt mua online lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nhờ mua hộ thông qua Tổ cứu trợ địa phương.
Ngoài ra, các xã, phường trên địa bàn thành phố Nha Trang đã triển khai mô hình “Đưa chợ ra phố”, bán hàng bằng “Xe lưu động”, “Đưa siêu thị, cửa hàng ra phố” nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
"Ngày 30/8/2021, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường", thông tin Bộ Công Thương cho hay.