Từ hôm 23/3 đến nay, Kênh đào Suez ở Ai Cập đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, sau khi con tàu siêu trọng siêu trường Ever Given bị mắc cạn và chắn ngang kênh đào này.
Từ hôm 23/3 đến nay, Kênh đào Suez ở Ai Cập đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, sau khi con tàu siêu trọng siêu trường Ever Given bị mắc cạn và chắn ngang kênh đào này.
Kênh đào Suez hoàn thành vào năm 1869, kênh đào này là một trong những vùng nước quan trọng nhất thế giới, là một cánh cổng nối giữa phương Đông và phương Tây bị kiểm soát bởi nhiều quốc gia, có nguy cơ châm ngòi chiến tranh và trở thành nền tảng của nền kinh tế toàn cầu.
Tầm quan trọng của con kênh này trước hết bắt nguồn từ vị trí của nó, đây là con đường duy nhất kết nối trực tiếp giữa vùng biển châu Âu với biển Arab, Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu không có Kênh đào Suez, các chuyến hàng di chuyển giữa những địa điểm này sẽ phải đi qua toàn bộ lục địa châu Phi, làm tăng thêm chi phí và kéo dài đáng kể thời gian hành trình của các con tàu.
Suốt nhiều thế kỷ trôi qua, gần như không có giải pháp cho vấn đề này cho đến khi con đường thủy quý giá dài 120 dặm được xây dựng để đi tuột xuống Ai Cập và ra Biển Đỏ. Kênh đào Suez được xây dựng trong một thập kỷ vào giữa thế kỷ XIX nhờ việc Địa Trung Hải và Biển Đỏ có độ cao xấp xỉ nhau.
Thời gian tiết kiệm được bằng cách đi qua Kênh đào Suez gần như là vô giá. Ngày nay, một con tàu đi từ một cảng ở Italy tới Ấn Độ sẽ phải vượt qua khoảng 4.400 hải lý, nếu như đi qua kênh đào Suez thì hành trình sẽ chỉ mất khoảng 9 ngày với tốc độ 20 hải lý mỗi giờ.
Cách nhanh thứ hai để hoàn thành cuộc hành trình tương tự đó là các tàu có thể đi qua Mũi Hảo Vọng và vòng quanh châu Phi. Với tốc độ tương tự, sẽ phải mất 3 tuần để đi hết tuyến đường dài 10.500 hải lý này.
Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), con tàu Ever Given dài 400m này bị mắc kẹt do 1 trận bão cát lớn khiến tầm nhìn hạn chế và ảnh hưởng tới khả năng định vị.
Đến nay, đã có hơn 200 con tàu đang bị mắc kẹt và không thể đi qua Kênh đào Suez. Giới chức Ai Cập đang vật lộn để đưa con tàu khổng lồ ra khỏi vị trí mắc cạn và khôi phục hoạt động của Kênh đào Suez. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây là nhiệm vụ không dễ dàng và có thể kéo dài nhiều tuần.
Hoạt động vận tải qua Kênh đào Suez chiếm tới 12% giao thương toàn cầu. Theo SCA, năm ngoái có tổng cộng 19.000 con tàu, tức trung bình 52 tàu mỗi ngày đi qua kênh đào này với tổng giá trị hàng hóa 1,17 tỷ tấn. Hàng hóa vận chuyển qua Kênh đào Suez chủ yếu là ngũ cốc, khoáng sản và dầu.
Do đó, gián đoạn giao thông tại Kênh đào Suez đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương cũng như cả ngành công nghiệp vận tải biển. Theo Lloyd's List, mỗi ngày Kênh đào Suez bị tắc nghẽn làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa trị giá lên tới 9,6 tỷ USD.
Phân tích của hãng bảo hiểm Allianz của Đức cho thấy, sự cố tại Kênh đào Suez có thể khiến thương mại toàn cầu thiệt hại từ 6-10 tỷ USD mỗi tuần và giảm tới 0,2-0,4 % trong tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, chi phí vận tải cũng sẽ tăng đột biến. Hãng môi giới tàu biển Braemar ACM cho biết, chi phí để thuê tàu chở hàng di chuyển giữa châu Á và Trung Đông đã tăng tới 47% lên 2,2 triệu USD trong tuần trước. Một số tàu đã điều chỉnh hải trình để không đi qua Kênh đào Suez và điều này khiến chi phí, thời gian tăng lên đáng kể.
Các quan chức châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về các tác động lâu dài hơn và đặc biệt là sau khi tình trạng tắc nghẽn được giải tỏa. Đó là một lượng tàu lớn đột ngột cập cảng có thể gây tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng tại châu Âu và gây nên tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.