Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của đại dịch Covid-19, sự cố tàu Ever Given mắc cạn ở Kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu.
Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của đại dịch Covid-19, sự cố tàu Ever Given mắc cạn ở Kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu.
Các đội trục vớt đã được huy động để nâng con tàu container Ever Given nhưng quá trình này đã kéo dài 4 ngày vẫn chưa có tiến triển. Các doanh nghiệp ở châu Á và châu Âu đang đứng trước rủi ro về chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao và tình trạng thiếu container vận chuyển ngày càng trầm trọng.
Kênh đào Suez là con đường duy nhất kết nối trực tiếp giữa vùng biển châu Âu với vùng biển Arab, Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương.
Kênh đào Suez chiếm tới 13% thương mại hàng hải toàn cầu, là tuyến đường vận chuyển trực tiếp và nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu. Kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các mặt hàng như dầu, ngũ cốc, hàng hóa đóng trong container và cả máy móc, phụ tùng ô tô, quần áo, đồ nội thất.
Nếu không có Kênh đào Suez các chuyến hàng di chuyển giữa các địa điểm này sẽ phải đi qua toàn bộ lục địa châu Phi, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí và kéo dài đáng kể hành trình.
Giải pháp cho vấn đề này suốt nhiều thập kỷ gần như không có cho đến khi con đường thủy quý giá dài 120 dặm được xây dựng để đi tuột xuống Ai Cập và ra Biển Đỏ. Kênh đào Suez được xây dựng trong một thập kỷ vào giữa thế kỷ 19 nhờ việc Địa Trung Hải và Biển Đỏ có độ cao xấp xỉ nhau.
Thời gian tiết kiệm được bằng cách đi qua Kênh đào Suez gần như là vô giá. Một con tàu đi từ một cảng ở Italy đến Ấn Độ sẽ phải vượt qua khoảng 4.400 hải lý, nhưng nếu đi qua Kênh đào Suez, hành trình sẽ chỉ mất khoảng 9 ngày với tốc độ 20 hải lý mỗi giờ.
Để có thể hoàn thành cuộc hành trình tương tự, tàu có thể đi qua Mũi Hảo Vọng và vòng quanh châu Phi.Với tốc độ tương tự, các tàu sẽ mất 3 tuần để đi hết tuyến đường dài 10.500 hải lý này.
Do vậy, tầm quan trọng của Kênh đào Suez lại càng tăng thêm 1 bậc vì không có lựa chọn nào có thể thay thế cho nó. Nếu Biển Đỏ không trải dài lên phía trên vùng Sừng châu Phi và dọc theo Sudan và Ai Cập sẽ không có vùng đất nào đủ hẹp để đặt nền móng cho một tuyến đường thủy nhân tạo nối giữa châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.
Theo tạp chí chuyên ngành vận tải biển Lloyd's List, nhờ vị trí chiến lược quan trọng của Kênh đào Suez mà mỗi năm có tới gần 19.000 con tàu đi qua kênh đào này.
Theo The Wall Street Journal, nguồn cung robusta của châu Âu, đây là loại hạt cần thiết cho cà phê hòa tan phần lớn đến từ Đông Nam Á. Trong đó, nước ta chiếm gần 1/4 lượng cà phê nhập khẩu của EU, theo Eurostat. Hiện tại, Kênh đào Suez đang tạm thời đóng cửa, các thương nhân sẽ cần tìm 1 con đường mới để những hạt cà phê này tới được các cảng cà phê châu Âu như Antwerp, Barcelona, Trieste.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trường hợp giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, điều này sẽ làm chi phí gia tăng đáng kể.
Năm 2020, nước ta xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Âu 18,5 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD và nhập khẩu là 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18%, 12%.
"Cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động bởi đại dịch Covid-19, sự cố Kênh đào Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa nước ta với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Hiện tại, để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, nếu tình trạng tắc nghẽn ở Kênh đào Suez vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới vận tải của toàn thế giới.
"Các tàu chở hàng xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Điều này sẽ làm tăng giá cước và kéo dài thời gian vận tải thêm đáng kể", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Công ty Cổ phần dịch vụ Xuân Thịnh, kinh doanh mặt hàng xăng, dầu cho biết, tắc nghẽn ở Kênh đào Suez làm chậm các đơn hàng dầu từ nhà cung cấp về nước ta từ 3-4 ngày nay khiến doanh nghiệp này không có hàng hoá trả cho các đại lý.
Được biết, dự kiến Kênh đào Suez sẽ được thông vào đầu tuần tới khi có thuỷ triều lớn.