Tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980 và cũng là quốc gia có mức lạm phát cao nhất trong nhóm G7 sau đợt tăng giá khí đốt sưởi ấm và giá điện chạm mức kỷ lục trong tháng 4/2022.
Tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980 và cũng là quốc gia có mức lạm phát cao nhất trong nhóm G7 sau đợt tăng giá khí đốt sưởi ấm và giá điện chạm mức kỷ lục trong tháng 4/2022.
Vậy nguyên nhân nào khiến tình hình lạm phát ở Anh tăng nhanh hơn so với các nền kinh tế lớn khác?
Năng lượng
Được biết, Anh là một nước phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu năng lượng. Điều này đồng nghĩa việc Anh phải hứng chịu những cú sốc mạnh khi giá xăng dầu cũng như khí đốt leo thang trong vài tháng qua.
Đáng chú ý, trong khi Chính phủ của các nước khác tại châu Âu đều có những chính sách phòng vệ năng lượng, Anh lại thiếu đi những phương án dự phòng.
Chẳng hạn như đối với Pháp, Chính phủ quốc gia này sở hữu hãng điện quốc doanh EDF, qua đó áp đặt được mức tăng giá điện trần 4%; đồng thời có điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Hay như Ý, một quốc gia đã đánh thuế nhằm vào các doanh nghiệp năng lượng và dùng khoản ngân sách 8 tỷ Euro để hỗ trợ hóa đơn cho người dân. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp giá trần xăng dầu và khí đốt. Đức giảm giá xăng dầu 30% trong khi Anh chỉ giảm 5 penny.
Hơn nữa, Ireland giảm 20% vé các phương tiện giao thông công cộng và Tây Ban Nha giảm thuế VAT cho hóa đơn năng lượng. Về phía Anh, Chính phủ nước này cũng cam kết thực hiện biện pháp tương tự nếu như hoàn thành xong Brexit nhưng cho đến nay chưa có điều gì diễn ra.
Mặc dù Anh đã công bố hỗ trợ 22 tỷ Bảng trong năm tài khóa này để giúp đỡ người dẫn trả hóa đơn, giảm thuế nhưng lạm phát vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã điều chỉnh quy định số tiền đóng bảo hiểm của người lao động để giúp người thu nhập thấp hưởng lợi hơn; thay vào đó, những người có thu nhập cao và trung bình phải gánh thêm các chi phí.
Nghiên cứu của Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) thuộc Bộ Tài chính Anh cho thấy, sau khi quy định mới được áp dụng, thu nhập khả dụng của người Anh sẽ giảm thêm 2%, mức giảm mạnh nhất trong 65 năm qua.
Xem thêm: Khủng hoảng năng lượng làm suy yếu tăng trưởng, leo thang lạm phát ở EU
Brexit và sự sụt giảm của đồng Bảng Anh
Anh là một nền kinh tế có độ mở cao với tổng kim ngạch thương mại lên tới 60% GDP. Tuy nhiên, do ngành sản xuất của Anh nhỏ hơn nhiều so với những nước như Đức hay Ý nên quốc gia này phụ thuộc khá nhiều vào chuỗi cung ứng.
Thông tin thêm, gần một nửa số lương thực tại Anh là sản xuất trong nước và phần lớn quốc gia này phải nhập khẩu nông sản, bao gồm các lương thực chủ chốt như ngũ cốc, sữa, trứng...
Chính vì vậy, lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ tại Anh đều tăng giá bởi vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn do Trung Quốc tiến hành lệnh phong tỏa nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Hơn nữa, việc Anh rời EU cũng khiến thời gian làm giấy tờ hay thông quan lâu hơn, dẫn đến giá cả tăng cao.
Theo nhiều chuyên gia, Brexit đã khiến giá cả lương thực tại Anh tăng thêm 6% trong khoảng tháng 12/2019 - 9/2021 do rào cản thuế quan.
Ngoài ra, đồng Bảng mất giá những tháng gần đây, xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ khi đại dịch bùng nổ đã khiến hàng nhập khẩu đắt hơn bao giờ hết, bao gồm cả những thứ thiết yếu như năng lượng, lương thực.
Tình trạng thiếu lao động
Do Brexit nên ngày càng nhiều lao động nước ngoài rời bỏ Anh, trong khi những người có tuổi ở nơi đây cũng phải nghỉ việc vì đại dịch, giới trẻ thiếu kinh nghiệm, kiến thức, bằng cấp hoặc đơn giản là không chịu làm những công việc khó khăn.
Hậu quả là nhiều doanh nghiệp Anh thiếu lao động, buộc phải nâng lương khiến chi phí nhân công tăng, dẫn đến giá cả đi lên.
Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1970, với số lượng người không có việc làm thấp hơn số vị trí tuyển dụng. Mức tăng lương bình quân hàng năm tại Anh chưa tính thưởng đã đạt 4,2%, cao nhất trong 10 năm qua.
Xem thêm: Mỹ: Khó khăn “gối đầu” khó khăn khi nhiều công dân từ chối trở lại thị trường lao động