Theo HoREA, hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở đã phải tạm dừng hoạt động. Trong đó, có đến 158 dự án tại TP. HCM phải "đắp chiếu", gây thất thoát tài sản của xã hội.
Theo HoREA, hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở đã phải tạm dừng hoạt động. Trong đó, có đến 158 dự án tại TP. HCM phải "đắp chiếu", gây thất thoát tài sản của xã hội.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi Thủ tướng văn bản nhằm góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017 trong đó quy định việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công.
Trước đó, Thủ tướng đã có những ý kiến chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc rà soát đất đai của các doanh nghiệp trước khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Trong trường hợp đất của doanh nghiệp đã cổ phần hóa được xác định thuộc diện thu hồi theo như quy định tại Điều 62, Điều 64 và Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì phải thực hiện thu hồi và bán đấu giá quyền sử dụng những khu đất này theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013 và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, không được để xảy ra sai phạm hay thất thoát tài sản nhà nước trong suốt quá trình tổ chức và thực hiện.
HoREA cho biết, từ khi thực hiện chỉ thị của Thủ tướng đến nay, đã có hàng trăm dự án đầu tư, dự án nhà ở trong cả nước sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do sắp xếp lại hoặc xử lý tài sản công hoặc do di dời nhà xưởng ô nhiễm hay thực hiện cổ phần hóa đã buộc phải dừng các hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh.
Theo HoREA, điều này đã dẫn đến việc người mua nhà tại các dự án trên bị “treo” các quyền của chủ sở hữu nhà mà họ vốn có. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư dự án cũng chịu thiệt hại lớn, còn ngân sách nhà nước bị giảm nguồn thu. Đây cũng là một nguyên nhân gây sụt giảm nguồn cung dự án cũng như các sản phẩm nhà ở trên thị trường .
HoREA đã đề xuất Thủ tướng cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án từ năm 2017. Qua đó sớm hoàn thành các dự án này và đưa vào sử dụng, nhằm tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, bên cạnh đó đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Đề nghị này tất nhiên đi kèm điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đối với người mua nhà đã giao kết và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà tại các dự án trên, không cần phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án.
Trong quá trình thực hiện Nghị định 167, HoREA nhận ra rằng Điều 28 quy định việc “xử lý chuyển tiếp” đối với các dự án có trước thời điểm Nghị định 167 có hiệu lực (ngày 1-1-2018) chưa thật sự cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa bao quát hết các trường hợp liên quan dẫn đến việc tạo ra nhiều vướng mắc cho cơ quan nhà nước tại các địa phương trong công tác thực thi pháp luật.
Vì vậy, HoREA kiến nghị, việc xem xét, sửa đổi Nghị định 167 là rất cần thiết vào thời điểm hiện tại và hiệp hội cũng vô cùng hoan nghênh việc Chính phủ xây dựng “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công”.