Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án sửa Nghị định liên quan đến việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vì còn nhiều ý kiến trái chiều...
Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án sửa Nghị định liên quan đến việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vì còn nhiều ý kiến trái chiều...
Bộ Tài Chính vừa có đề nghị Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định đối với hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và ngưng hiệu lực thi hành, sửa đổi một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Nhiều nguyên nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, từ sau vụ việc Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN giảm và khối lượng mua lại tăng. Từ sau khi Nghị định số 65 được ban hành và có hiệu lực thi hành (ngày 16/9/2022) đến 25/12/2022, các doanh nghiệp đã phát hành được 8.292,3 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành của doanh nghiệp xây dựng chiếm 13,08%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 13,63%, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ chiếm 16,34%, tổ chức tín dụng chiếm 10,52%, còn lại là các lĩnh vực khác.
Từ tháng 09/2022, thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ khi lãi suất tăng mạnh, tỷ giá VND so với USD tăng mạnh . Đặc biệt từ ngày 06/10/2022, sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tiếp tục khó khăn.
Theo đó, khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên, Bộ Tài chính cho biết trước hết là do sai phạm của một số doanh nghiệp khi bị cơ quan điều tra phát hiện và một số tin không chính thống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Cùng với đó là thanh khoản của cả nền kinh tế gặp khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu của thị trường TPDN là xử lý vấn đề về niềm tin và thanh khoản của thị trường nên ngày 23/11/2022 Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm với các doanh nghiệp phát hành có dư nợ trái phiếu lớn và một số công ty chứng khoán về các khó khăn, vướng mắc của thị trường để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp vĩ mô về chính sách tiền tệ, vấn đề truyền thông, thanh kiểm tra và tổ chức thị trường để lấy lại niềm tin và tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho thị trường.
Riêng về vấn đề pháp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN nghiên cứu, rà soát Luật Chứng khoán và phối hợp với Bộ KHĐT rà soát Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các nội dung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ. Về quy định tại Nghị định số 65, các doanh nghiệp phát hành, thành viên thị trường và các chuyên gia đánh giá định hướng của Nghị định là tốt trong trung, dài hạn.
Tuy nhiên do nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2022-2023 nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng quy định tại Nghị định số 65 trong bối cảnh hiện nay.
Trình Chính phủ 2 phương án
Trước tình hình trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi Nghị định số 65. Tờ trình được đưa ra xin ý kiến Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ 2 phương án.
Phương án 1 là ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65. Từ ngày 01/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này.
Bộ Tài chính đánh giá ưu điểm của phương án này là thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân rất thận trọng sau các vụ việc vi phạm vừa qua nên số lượng nhà đầu tư có nhu cầu thực tế là không nhiều.
Còn nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục mua TPDN vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro thời gian trước đây.
Do đó, để thực hiện chính sách này, dự kiến cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ rủi ro của doanh nghiệp phát hành và trái phiếu trước khi mua, hiểu rõ bản chất của TPDN phát hành riêng lẻ và chịu trách nhiệm khi quyết định đầu tư mua trái phiếu; tăng cường quản lý giám sát thông qua Sở GDCK, TTLKCK và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN (tổ chức tư vấn hồ sơ, phân phối, lưu ký trái phiếu) để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân.
“Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân; khi lãi suất trái phiếu được đẩy lên cao (thường vượt cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng) thì nhà đầu tư có xu hướng ham lãi suất mà không đánh giá đến rủi ro như thời gian vừa qua.” – Bộ Tài chính phân tích.
Phương án 2 là tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với bản chất của phát hành TPDN riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và mục tiêu khi ban hành Nghị định số 65 là giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Theo đó, đảm bảo tính an toàn và bền vững của cầu đầu tư TPDN, ngăn ngừa phát sinh các vụ việc lừa đảo nhà đầu tư phải xử lý hình sự gây nhiều hệ lụy.
Ngoài ra, theo Luật Chứng khoán thì có nhiều cách để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Ngoài xác định bằng danh mục chứng khoán theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định số 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân còn có thể chứng minh tư cách bằng (i) thu nhập chịu thuế từ 01 tỷ đồng trở lên (sắp đến thời điểm quyết toán thuế hàng năm 31/03); (ii) chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Nhược điểm của phương án này là trước mắt, nhu cầu mua TPDN của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có thể giảm.
Bộ Tài chính cho biết, ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia cho tháy có 41% ý kiến đồng ý theo phương án 1 (04/08 Bộ, ngành là Bộ CA, Bộ KHĐT, Bộ XD, UBGSTCQG; 03/06 chuyên gia và 0/3 tổ chức quốc tế); 35% ý kiến phản đối phương án ngưng thực hiện quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 65 (phương án 2) (01/08 Bộ, ngành là Thanh tra Chính phủ; 02/06 chuyên gia và 03/03 tổ chức quốc tế); 24% không thể hiện quan điểm (03/08 Bộ, ngành là Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước).
Do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đơn vị, Bộ Tài chính trình Chính phủ cả 02 phương án nêu trên.