22 quốc gia đã bắt đầu có những đợt bùng phát dịch sởi lớn và gián đoạn từ năm 2021 với 9 triệu ca mắc, 128.000 ca tử vong; tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong năm nay, có thể lan toàn cầu do "lỗ hổng" vắc-xin.
22 quốc gia đã bắt đầu có những đợt bùng phát dịch sởi lớn và gián đoạn từ năm 2021 với 9 triệu ca mắc, 128.000 ca tử vong; tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong năm nay, có thể lan toàn cầu do "lỗ hổng" vắc-xin.
"Bệnh sởi là mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới" - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh trong báo cáo gửi các cơ quan truyền thông toàn cầu khuya 23-11.
Theo WHO, nguyên nhân gây ra sự tái bùng phát của dịch sởi - một trong những dịch bệnh nghiêm trọng nhất đối với trẻ em - là sự gián đoạn các chiến dịch vắc-xin do đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi đã giảm dần kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Năm 2021, lỗ hổng vắc-xin đạt mức cao kỷ lục với gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc-xin sởi, trong đó 25 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên và 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ hai, theo thống kê chung của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC)
Vào năm 2021, dấu hiệu dịch sởi quay trở lại đã bắt đầu với khoảng 9 triệu ca mắc và 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn thế giới trong bối cảnh 22 quốc gia trải qua những đợt bùng phát lớn và gây gián đoạn.
Tỉ lệ bao phủ vắc-xin giảm, hoạt động giám sát bệnh sởi suy yếu, các hoạt động tiêm chủng tiếp tục bị gián đoạn và chậm trễ do COVID-19, cũng như các đợt bùng phát lớn kéo dài đã xuất hiện vào các tháng đầu năm 2022 vừa qua đồng nghiã với việc dịch sởi trở thành mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới.
"Nghịch lý của đại dịch là trong khi vắc-xin chống lại COVID-19 được phát triển trong thời gian kỷ lục và được triển khai trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, thì các chương trình tiêm chủng thông thường lại bị gián đoạn nghiêm trọng. Hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ cơ hội được tiêm những liều vắc-xin cứu mạng khỏi những căn bệnh chết người, bao gồm bệnh sởi" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.
Tiến sĩ Tedros cũng nhấn mạnh: "Việc đưa các chương trình tiêm chủng trở lại đúng hướng là vô cùng quan trọng. Đằng sau mỗi thống kê trong báo cáo này là một đứa trẻ có nguy cơ mắc một căn bệnh có thể phòng ngừa được".
WHO ước tính hiện toàn cầu có gần 40 triệu trẻ em đang đứng trước nguy cơ bị nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng do dịch sởi.
Tổ chức trực thuộc Liên hiệp Quốc này cho biết tình hiện hiện nay là "rất nghiêm trọng". Bệnh sởi là một trong những virus lây lan hàng đầu ở người, trong đó trẻ em chịu thiệt hại lớn nhất.
Thế giới đang trong lằn ranh nguy hiểm cũng đang ở trong tình trạng đó, với chỉ 81% trẻ em được tiêm liều vắc-xin sởi đầu tiên và chỉ 71% trẻ em được tiêm liều vắc-xin sởi thứ hai. Đây là tỷ lệ bao phủ toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008.
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, cho biết: "Các đợt bùng phát dịch sởi cho thấy những điểm yếu trong các chương trình tiêm chủng, nhưng các quan chức y tế công cộng có thể sử dụng biện pháp ứng phó với dịch bệnh để xác định các cộng đồng có nguy cơ mắc bệnh, hiểu nguyên nhân của tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp và giúp đưa ra các giải pháp phù hợp với địa phương".
"CDC và WHO kêu gọi hành động phối hợp và hợp tác từ tất cả các đối tác ở cấp toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương để ưu tiên nỗ lực tìm kiếm và tiêm chủng cho tất cả trẻ em không được bảo vệ, bao gồm cả những trẻ bị bỏ sót trong 2 năm qua" - WHO viết trong thông cáo.
Sởi là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi với nguy cơ tử vong cao, nguy cơ suy dinh dưỡng và nhiều vấn đề sức khỏe khác hậu nhiễm. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhiều di chứng nếu không được chủng ngừa lúc nhỏ.
Tuy nhiên bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin bắt đầu từ 9 tháng tuổi. Nếu bà mẹ được tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai thì sẽ truyền một phần kháng thể cho con, giúp trẻ được bảo vệ trong 9 tháng đầu đời.