FDI vào Việt Nam sụt giảm trong 2 tháng đầu năm

Thứ hai, 01/03/2021 | 17:08 Theo dõi CFĐT trên

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh giá trị góp vốn cùng với hoạt động mua cổ phần đến từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,46 tỷ USD, giảm đến 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm trong 2 tháng đầu năm
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm trong 2 tháng đầu năm

Trong đó, 126 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép đăng ký mới chỉ đạt 3,31 tỷ USD, giảm đến 74,8% về số lượng dự án và giảm 33,9% về số vốn đầu tư đăng ký  so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước tiến hành đăng ký điều chỉnh tổng vốn đầu tư mới là 115 dự án, với số vốn tăng thêm đạt khoảng 1,61 tỷ USD, tăng 151,8%. Có tổng cộng 445 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là khoảng 543,1 triệu USD của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 34,4% so với 2020.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần, có 109 lượt từ phía nhà đầu tư nước ngoài, làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là khoảng 202,8 triệu USD, trong đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tiến hành mua lại cổ phần các doanh nghiệp trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ là 336 lượt, với giá trị 340,3 triệu USD. Như vậy, số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thực hiện trong 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thống kê TP. HCM cũng cho biết, trong hai tháng đầu năm, chỉ có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký 115 triệu USD.

Cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án đăng ký tại mới trên địa bàn thành phố lên đến 186. Vốn đầu tư hầu hết tập trung vào lĩnh vực bất động sản, trong đó, số vốn đầu tư từ Hà Lan chiếm 70,1% và Singapore chiếm 29,6%.

Bên cạnh các dự án cấp mới, từ đầu năm đến ngày 20/2, TP. HCM đã ghi nhận 22 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn tăng thêm 53,3 triệu USD và 168 lượt góp vốn mua cổ phần với quy mô xấp xỉ 170 triệu USD.

Tổng số vốn mà nhà đầu tư nước ngoài rót vào thành phố trong hai tháng đạt gần 338 triệu USD, chỉ tương đương khoảng 70% so với cùng kỳ. Các ngành nghề được quan tâm nhiều nhất vẫn là bất động sản, khoa học công nghệ, chế biến chế tạo và giáo dục.

Theo đánh giá của Cục Thống kê TP. HCM, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm dự án mới là do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại những quốc gia là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Hiện tại, TP. HCM đang đứng thứ 8 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2 tháng đầu năm 2020, xếp sau các tỉnh, thành như Cần Thơ, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai. Nếu tính theo số lượng dự án thì TP. HCM xếp thứ 10, kém xa so với khu vực Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh.

Kỳ Duyên
Cafe Khởi nghiệp