Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và xung đột leo thang giữa Nga - Ukraine, doanh thu các công ty sản xuất thịt niêm yết quý đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ.
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và xung đột leo thang giữa Nga - Ukraine, doanh thu các công ty sản xuất thịt niêm yết quý đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ.
Theo báo cáo ngành sản xuất và chế biến thịt của VNDirect, tổng doanh thu của các công ty sản xuất thịt niêm yết quý I giảm 39,7% và lợi nhuận ròng giảm 37,4% so với cùng kỳ.
VNDirect nhận định, kết quả này là do giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và giá lợn hơi giảm 30,7% trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng 14 - 30% so với đầu năm.
Hiện giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80 - 85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65 - 70% giá thành sản xuất thịt lợn.
Song, đơn vị này vẫn đánh giá thị trường thịt lợn là phân khúc tiềm năng nhất vì chiếm 60 - 65% trong "giỏ thực phẩm".
Theo Euromonitor, giá trị thị trường thịt các loại ước tính đạt khoảng 12,5 tỷ USD năm 2021.
Trong đó, thị trường thịt lợn chiếm 49,7%, tiếp theo là thị trường gia cầm (23,4%) và thị trường thịt bò (21,7%).
Xem thêm: Cảnh báo trang web giả mạo có dấu hiệu lừa đảo trong nhập khẩu thịt lợn, thịt gia cầm
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ vươn lên vị trí số 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn vào năm 2022, đạt 3,4 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng kép là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Giá lợn hơi bình quân trong nước tại các vùng miền đều tăng nhẹ trong tháng 4/2022. Cụ thể, miền Bắc ghi nhận mức giá trung bình cao nhất là 54.400 đồng/kg trong khi miền Trung ghi nhận mức thấp nhất là 53.722 đồng/kg.
Ngoài ra, VNDirect cho rằng, giá lợn hơi không thể tăng mạnh theo giá nguyên vật liệu đầu vào do nhu cầu tiêu thụ thịt chưa phục hồi hoàn toàn so với mức trước Covid-19.
Hơn nữa, giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến tiếp tục ở mức cao, tạo áp lực lên chi phí thức ăn chăn nuôi. Theo World Bank, giá lúa mì, ngô và khô đậu tương sẽ tăng 42,7%, 19,4% và 9,7% YoY trong 2022, kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng.
Xem thêm: Trung Quốc khởi động chiến dịch tích trữ thịt lợn nhằm đẩy giá