Báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam dự báo, Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam dự báo, Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ hai đã được tổ chức với chủ đề "Tiếp tục phục hồi kinh tế-các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”. Thông tin tại Diễn đàn cho biết, năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong nhiều quý, và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại.
Tăng trưởng GDP quý 32022 vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP của 9 tháng năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024.
Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam," cho biết sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023.
Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo ông Trần Toàn Thắng, kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga-Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Với các yếu tố tác động như trên, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia và UNDP tổ chức Diễn đàn nhịp đập kinh tế lần đầu tiên vào năm 2021 nhằm kết nối các quan chức chính phủ, các tổ chức học thuật, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia vào các cuộc thảo luận toàn diện về các vấn đề kinh tế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Diễn đàn lần thứ nhất tập trung vào chủ đề: "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững" nhằm hỗ trợ nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Việt Nam trong ngắn hạn và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững trong dài hạn.