Trong báo cáo mới đây của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
"Việc nhẹ lương cao" là những câu từ mà các đối tượng buôn bán người đang hàng ngày rêu rao tràn lan trên các trang mạng xã hội. Dù không biết thực hư như thế nào mà hàng trăm người nhẹ dạ cả tin đã bị lừa bán sang Campuchia bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, buộc phải làm việc 11-15 giờ/ngày, bị ngược đãi, đánh đập thậm chí bị chủ công ty mua bán sang công ty khác.... Muốn về nước các nạn nhân phải gọi cho gia đình nộp hàng trăm triệu đồng để chuộc người.
Nộp phạt 10.000 USD vì hủy hợp đồng
Mới đây, một nhóm người lao động ở huyện miền núi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chỉ vì nghe theo lời người quen rủ sang Campuchia “làm công việc nhẹ mà lương cao” ở các “công ty” nên đã bị sập bẫy, phải nộp phạt tới 10.000 USD mỗi người vì huỷ hợp đồng lao động mới có thể thoát thân khỏi nơi nguy hiểm.
Nạn nhân của vụ việc này là hai vợ chồng anh Cường, chị Nguyên ở xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Tại cơ quan công an, anh Cường chia sẻ, chỉ vì nghe theo lời người thân nói sang Camphuchia làm việc nhàn mà thu nhập cao nên đầu năm nay, hai vợ chồng anh chị đã quyết định sang đất nước này. Tại đây, 2 vợ chồng đã học, làm việc tại một Casino. Tuy nhiên, sau 1 tháng học việc, nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và thời gian làm việc vất vả, áp lực nên vợ chồng anh Cường đã xin thôi việc. Và họ chỉ được trở về nhà khi nộp 20.000 USD cho các đối tượng.
“Quảng cáo mức lương khởi điểm khi sang đó làm việc được 1000 USD/tháng chưa tính phần trăm. Công việc đơn giản chỉ thao tác trên máy tính nên vợ chồng tôi cũng muốn sang thử. Khi sang đến nơi, thử việc được 1 tháng, tôi cảm thấy công việc không phù hợp thì vợ chồng tôi xin về” - anh Cường nói.
Cùng đi với vợ chồng anh Cường, chị Nguyên trong đợt đó còn có 6 người thân quen họ hàng trên địa bàn huyện Lục Ngạn và một số người ở miền Nam. Và phần lớn đều không chịu đựng được sức ép làm việc khoảng 15h mỗi ngày với những công việc mang tính lừa đảo.
Anh Nguyễn Hữu Tân, xã phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, qua bên đó, ban đầu anh tưởng mình làm công việc trên mạng liên quan đến công nghệ cao. Nhưng thực tế, sang đến nơi, công việc của anh là tham gia kéo mọi người tham gia vào các trò cờ bạc, chứng khoán, app lừa tiền,....Muốn trở về quê hương không có cách nào khác ngoài việc nộp tiền như yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.
Vợ chồng anh Cường và anh Tân, mặc dù giờ đã được về nhà nhưng không biết đến bao giờ, họ và những người lao động khác có thể chắt chiu, dành dụm để trả được hết số nợ trên và trường hợp như vợ chồng anh Cường và anh Tân không phải hiếm hoi.
Tại nhiều tỉnh thành như Tây Ninh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Thanh Hóa, Đồng Nai… đơn vị chức năng liên tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động.
Tại tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá một đường dây mua bán người qua Campuchia, bắt giữ 7 đối tượng liên quan.
Anh Nguyễn Văn Hảo, nhà ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những nạn nhân may mắn khi gia đình anh bỏ ra gần 60 triệu đồng để chuộc về lại Việt Nam. Trước đó anh Hảo lên mạng tìm việc làm, thông qua các FB có tên “Ngang Ruby” và “Nguyễn Ngọc Gia Linh” giới thiệu anh này qua Campuchia làm việc bán quần áo, cắt vải với lương tháng từ 18 đến 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi qua đến Campuchia thì anh Hảo lại bị đưa vào làm việc tại 1 công ty "ma", chuyên thực hiện các vụ lừa đảo.
Qua nhiều ngày điều tra, truy xét, đến ngày 30/6/2022, lực lượng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với lực lượng chức năng tại TPHCM, Long An, Tây Ninh tiến hành điều tra, bắt tạm giam 7 đối tượng.
Để việc đưa người xuất cảnh trái phép được trót lọt, nhóm nghi can này sử dụng xe máy, ô-tô phân công việc cụ thể cho từng người. Khám xét các khách sạn mà các đối tượng tập kết nạn nhân đưa sang Campuchia, cơ quan công an thu giữ 3 xe máy, 3 xe ô tô chuyên vận chuyển người qua biên giới cùng 44 triệu đồng và nhiều vật chứng, tài liệu liên quan khác.
Theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã phá được 3 đường dây và lập 3 chuyên án, bắt và xử lý 7 đối tượng. Đến thời điểm hiện tại, công an tỉnh đã phát hiện trên 130 nạn nhân trong đường dây.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Hiện nay, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.
Bộ Công an đưa ra cảnh báo
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng này, chiều 5/7, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa thông tin, cảnh báo tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động với lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng. Theo cảnh báo, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc. Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền 3.000-30.000 USD.
Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: BaVet - tỉnh Svayrieng; Banteay Meanchey - tỉnh Poipet; thành phố Sihanoukville - tỉnh Preah Sihanouk, Chrey Thom - tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompenh.
Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm như sau:
Người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại...của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vẫn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Cơ quan chức năng cũng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa gạt tuyển mộ công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc việc nhẹ, lương cao song thực chất là xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ, bị cưỡng bức lao động, ngược đãi và bị cưỡng đoạt tài sản.