Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022).
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình và được Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đồng ý giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.
Sang đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục trình và được UBTV Quốc hội đồng ý giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa và giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo các Nghị quyết trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 25.538 tỷ đồng. Trong đó, giảm thu NSNN do giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 khoảng 1.584 tỷ đồng và giảm thu NSNN do giảm mức thuế BVMT xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 khoảng 23.954 tỷ đồng.
Trong quý II/2022, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao và nguồn cung trong nước chưa thể cung cấp kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, để tiếp tục góp phần ổn định giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự án Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 244/TTr-CP trình UBTV Quốc hội về dự án Nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện giá dầu thô thế giới vẫn duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ trong nước được dự báo vẫn tăng cao.
Để giảm tác động tới sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế suất theo thẩm quyền quyết định của UBTV Quốc hội.
Trước đề xuất của Chính phủ, sáng ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp bất thường và thông qua Nghị quyết về mức bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, UBTV Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Cụ thể, Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Bộ Tài chính cho biết, theo ước tính, chính sách này nếu được quyết từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc đang triển khai 2 Nghị quyết của UBTVQH đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel. Như vậy, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Tiếp tục nghiên cứu nhiều giải pháp khác cho xăng dầu
Ngoài những giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 20% xuống mức phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu cho phù hợp để trình Chính phủ và trình Quốc hội xem xét quyết định.