Theo Tổng cục Hải quan, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tổng cục Hải quan cho biết, để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa ngay khi lưu thông được, kể cả ngoài giờ hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh. Các giải pháp của Tổng cục Hải quan đã triển khai được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp dẫn đến nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian vừa qua, Tổng cục đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu, cụ thể như tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn (kể cả ngoài giờ hành chính); giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp. Trong trường hợp thay đổi cửa khẩu xuất, thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa hoặc không có nhu cầu xuất khẩu thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung hoặc hủy tờ khai hải quan (đối với các trường hợp đã đăng ký tờ khai), đăng ký tờ khai hải quan mới theo quy định để tiếp tục xuất khẩu hoặc đưa trở lại nội địa để tiêu thụ.
Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm;…
Liên quan đến kiến nghị “Việt Nam phân luồng hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng đến những cửa khẩu chưa bị ùn tắc để xuất khẩu”, Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả hai nước khi nhu cầu xuất nhập khẩu trước và sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao trong khi hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu không thông quan được buộc phải quay đầu về nội địa bán tháo hoặc đổ bỏ do hàng hóa bị hư hỏng.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan, điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, tuyên truyền thông báo rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp biết điều chỉnh cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa và điều tiết lượng hàng hóa lên các cửa khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc rất hạn chế (trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới nhưng trước tết Nguyên Đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau Tết Nguyên Đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động). Bên cạnh đó, việc thông quan tại các cửa khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp.
Để thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, kiến nghị cơ quan hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.
Riêng đối với với kiến nghị Việt Nam mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho hay, việc mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu biên giới là biện pháp lâu dài các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai.
Trước mắt, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đang có chiều hướng gia tăng tại các cửa khẩu biên giới, Để xử lý dứt điểm thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp; và thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu biên giới.