Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lại hạ lãi suất tham chiếu, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này lo lắng về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lại hạ lãi suất tham chiếu, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này lo lắng về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Lãi suất tiêu chuẩn (LPR) của các khoản vay kỳ hạn 1 năm được PBOC cắt giảm 0,1%, từ 3,8% còn 3,7%. Trước đó, vào tháng 12, PBOC đã có đợt hạ lãi suất này lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Lãi suất LPR của các khoản vay kỳ hạn 5 năm cũng được cắt giảm, với mức giảm 0,05%, về 4,6% từ 4,65% trước đó. Đây là lần đầu tiên lãi suất này được cắt giảm kể từ tháng 4/2020 – giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Lãi suất LPR ảnh hưởng đến lãi suất của các khoản vay mà ngân hàng thương mại cấp cho doanh nghiệp và các hộ gia đình ở Trung Quốc. Hầu hết các khoản vay như vậy ở Trung Quốc hiện nay dựa trên lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm, nhưng lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng nhiều đến các khoản vay thế chấp nhà.
Đợt hạ lãi suất này của PBOC không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích – hãng tin Reuters cho hay.
Đây là một nỗ lực nữa của PBOC nhằm giảm lãi suất vay vốn trong nền kinh tế, ngăn đà sụt tốc tăng trưởng. Quý 4/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 4%, giảm nhiều so với mức tăng 4,9% đạt được vào quý 3.
“Lãi suất vay thế chấp nhà sẽ giảm nhẹ, hỗ trợ cho thị trường bất động sản. PBOC cũng đã hướng dẫn các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay thế chấp nhà”, chuyên gia kinh tế Sheana Yue của Capital Economics nhận định. “Hỗ trợ có trọng điểm nhằm vào người mua nhà rõ ràng là một động thái hạn chế những rủi ro suy giảm tăng trưởng mà nền kinh tế đang đối mặt”.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên của thế giới vượt qua cú sốc do Covid-19 gây ra, là nước duy nhất trong số các nền kinh tế lớn đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đối mặt với mối lo ngày càng lớn trong năm 2021 về sự bền vững của tăng trưởng.
Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi tiêu dùng suy yếu, các quy chế giám sát thắt chặt, cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, và cả chính sách chống dịch zero-Covid mà Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi. Những đợt bùng dịch Covid liên tiếp, nhất là từ khi biến thể Omicron xuất hiện, đang bào mòn sức lực của nền kinh tế nước này.
Trước đợt giảm lãi suất vừa công bố, mới vào hôm thứ Hai tuần này, PBOC bất ngờ hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 – một động thái nằm ngoài dự báo của hầu hết giới chuyên gia. Theo đó, lãi suất đối với 700 tỷ Nhân dân tệ (hơn 110 tỷ USD) vốn vay trung hạn giảm 0,1%, từ 2,95% còn 2,85%.
Chuyên gia Bruce Pang của China Renaissance nói rằng việc PBOC cắt giảm các lãi suất khác nhau sẽ giúp ích cho cả thị trường bất động sản đang sụt giảm và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong kinh doanh.
Ngoài ra, những động thái này cũng gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về đường lối chính sách của Bắc Kinh, cho thấy PBOC phản ứng nhanh chóng hơn với sự giảm tốc của nền kinh tế nhằm giảm chi phí vay vốn, giải toả áp lực đối với thị trường địa ốc, và thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, theo Pang.
Cả năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%, cao hơn nhiều so với mục tiêu “trên 6%” mà Chính phủ nước này đề ra, nhờ sản lượng công nghiệp tăng mạnh mẽ bù đắp cho sự suy giảm doanh thu bán lẻ. Dù vậy, mức tăng này không đạt kỳ vọng tăng 8,4% mà giới phân tích đưa ra.