Bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TP. HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố...
Bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TP. HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố...
Theo VnExpress, thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 công bố trưa 20/8, trong bối cảnh TP. HCM đã ghi nhận 164.342 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 và trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và 16 tăng cường. Cuộc họp báo diễn ra khoảng 10 phút, không có hỏi đáp. Biện pháp siết chặt kéo dài bao lâu chưa được thành phố thông tin.
Theo ông Hải, thời gian qua, TP. HCM có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống Covid-19 nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để nâng cao hiệu quả chống dịch, thành phố tiếp tục nâng cao, siết chặt với phương châm "mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch", gồm 5 giải pháp:
Cùng với đó, TP. HCM đưa ra 5 giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, người dân thành phố đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố-ấp cách ly khu phố-ấp, phường-xã-thị trấn cách ly phường-xã-thị trấn.
Thứ hai, tập trung chăm lo F0, điều trị người có triệu chứng, chuyển nặng, hạn chế tỉ lệ tử vong.
Thứ ba, tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực “vùng đỏ trên bản đồ Covid TP. HCM".
Thứ 4, tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người dân.
Thứ 5, thành phố đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư. TP. HCM đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K + vắc xin thuốc uống", không tập trung mua gom hàng hoá, thực phẩm. Thành phố đã chuẩn bị các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nêu trên, ông Hải nêu rõ.
Dẫn lời Lao Động, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê thông tin thêm, những biện pháp này là bước nâng cao, tập trung, đẩy mạnh hơn để thực hiện hiệu quả nhất các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố. Chính phủ yêu cầu trước 15/9 thành phố phải kiểm soát được dịch, do vậy 5 giải pháp trên sẽ bắt đầu từ 0h ngày 23/8.
“Mong người dân cùng hưởng ứng, hợp sức, hợp lực để thời gian quý báu này thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”, ông Khuê bày tỏ.
Hiện nay, các cơ quan hữu quan liên quan đang chuẩn bị phương án cụ thể và trước ngày 23/8 sẽ công bố cho người dân biết. Trong đó, sẽ công bố rõ áp dụng quy định nghiêm việc giãn cách, lực lượng, binh chủng nào sẽ được lưu thông.
Ông Khuê cho biết, sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức cung ứng hàng hoá, thiết yếu, lương thực, thực phẩm đến với nhân dân thành phố; các trạm y tế lưu động tập trung chăm lo, điều trị cho F0, thuốc điều trị, việc mở rộng xét nghiệm, tập trung việc tiêm vắc xin.
Cũng theo ông Khuê, không có chuyện "đóng cửa TP. HCM như lời đồn mà thành phố tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát". Theo đó, thành phố tập trung, chuyên sâu, nâng cao hơn các giải pháp chống dịch để tiến tới kiểm soát dịch đến 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Như vậy, để ứng phó diễn biến dịch bệnh phức tạp, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 5 đến nay, TP. HCM đã triển khai nhiều biện pháp giãn cách xã hội với các cấp độ thắt chặt tăng dần.
Cụ thể, từ 31/5 đến 14/6 thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15, từ 15/6 đến 8/7 giãn cách theo Chỉ thị 10 của UBND TP. HCM, từ 9/7 đến 15/9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong đó có 26 ngày TP. HCM áp dụng thêm các biện pháp tăng cường như cấm ra đường, ngưng các hoạt động không thiết yếu sau 18h...