“Tiền ảo có thể tồn tại như một phương tiện thanh toán, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói về việc dùng nó để giao dịch dầu mỏ”, Tổng thống Nga chia sẻ quan điểm.
“Tiền ảo có thể tồn tại như một phương tiện thanh toán, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói về việc dùng nó để giao dịch dầu mỏ”, Tổng thống Nga chia sẻ quan điểm.
Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Năng lượng Nga đang diễn ra tại Moscow, ngày 14/10, khi được hỏi về việc liệu đồng Bitcoin hay một loại tiền ảo nào đó có thể được dùng như một phương tiện thanh toán thay cho đồng USD để giao dịch đầu mỏ hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các loại tiền ảo có thể có giá trị nhưng không thể thay đồng USD.
“Tiền ảo chưa được hỗ trợ bởi bất kỳ thứ gì. Tiền ảo có thể tồn tại như một phương tiện thanh toán, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói về việc dùng nó để giao dịch dầu mỏ”, Tổng thống Nga chia sẻ quan điểm.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng việc hoạt động đào tiền ảo tiêu thụ một lượng điện năng lượng khổng lồ cũng là một rào cản đối với ứng dụng của tiền ảo. Trong đó, riêng đồng Bitcoin cần đến năng lượng điện toán lớn để xử lý các giao dịch.
Tuy nhiên, tại sự kiện, ông Putin đã không lảng tránh khi nói về nỗ lực của Nga nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại.
“Tôi cho rằng Mỹ đã mắc sai lầm lớn khi dùng đồng USD làm công cụ để áp cấm vận. Chúng tôi đang bị ép buộc và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang giao dịch bằng các loại tiền tệ khác”, Tổng thống Nga nói.
“Có thể nói rằng Mỹ đang ‘phá đi bát cơm’ của mình. Đồng USD là một lợi thế cạnh tranh của Mỹ, là một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, nhưng Mỹ lại đang sử dụng nó để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Kết quả là điều này làm tổn hại tới lợi ích chiến lược và nền kinh tế của họ”.
Trước đó vài tháng, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, từng ngụ ý rằng Nga có thể tránh các hợp đồng dầu thô bằng đồng USD nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế. Hồi tháng 6, Nga tuyên bố sẽ rút các tài sản bằng đồng USD khỏi quỹ đầu tư quốc gia của mình.
Ở một diễn biến khác, cũng trong ngày 14/10, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Jon Cunliffe cảnh báo rằng tiền ảo có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trừ phi có các quy chế giám sát nghiêm ngặt hơn.
Ông Cunliffe cũng thừa nhận rằng các chính phủ và cơ quan giám sát cần thận trọng để không đưa ra những động thái “quá tay” hoặc xem những thứ mới mẻ như tiền ảo là “nguy hiểm” chỉ bởi chúng khác biệt, nhằm tránh bóp nghẹt sự sáng tạo. Ông nói công nghệ tiền ảo mang lại triển vọng về “sự cải thiện căn bản” các dịch vụ tài chính.
"Rủi ro mà tiền ảo đặt ra đối với ổn định tài chính ở thời điểm này vẫn ở mức thấp, nhưng những ứng dụng hiện có của tài sản số đặt ra mối lo về ổn định tài chính, bởi phần lớn tiền ảo hiện nay không có giá trị thực chất gì và rất dễ rơi vào những đợt điều chỉnh giá mạnh”, ông Cunliffe nhận định.