Không bán được Arm do sự phản đối của cơ quan chức năng, SoftBank đã lên kế hoạch cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng chip này.
Không bán được Arm do sự phản đối của cơ quan chức năng, SoftBank đã lên kế hoạch cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng chip này.
Thỏa thuận ban đầu cho đợt sáp nhập Arm vào Nvidia được công bố vào năm 2020 và có giá trị vào thời điểm đó là 40 tỷ USD bằng cổ phiếu và tiền mặt của Nvidia.
SoftBank cho biết Arm hiện sẽ chuẩn bị cho đợt IPO trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2023.
Thỏa thuận sáp nhập này đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ kể từ khi nó được công bố. Arm, một công ty của Anh, là nhà cung cấp trung lập cho một số gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh. Khách hàng của Arm bao gồm Apple Inc., AWS của Amazon .com Inc. và Alphabet Inc. của Google, cùng với các nhà sản xuất chip cạnh tranh trực tiếp với Nvidia, chẳng hạn như Intel Corp. và Qualcomm Inc.
Vào tháng 12, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã khởi kiện để chặn giao dịch này vì lý do chống độc quyền. Năm ngoái, cơ quan quản lý cạnh tranh của Vương quốc Anh cũng công bố một cuộc điều tra về việc mua bán này.
Các công ty công nghệ và bán dẫn lo ngại rằng nếu Nvidia sở hữu Arm, họ có thể ưu tiên việc kinh doanh của chính mình hơn những khách hàng có thể không có giải pháp thay thế cho công nghệ ARM.
“Thỏa thuận theo chiều dọc được đề xuất sẽ trao cho một trong những công ty chip lớn nhất quyền kiểm soát công nghệ máy tính và thiết kế mà các công ty đối thủ dựa vào để phát triển chip cạnh tranh của riêng họ”, FTC cho biết vào tháng 12.
SoftBank cho biết khoản đặt cọc 1,25 tỷ USD mà họ đã nhận như một phần của thỏa thuận không được hoàn lại và sẽ được ghi nhận là lợi nhuận trong quý 4 của năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022.
Arm hoạt động độc lập cho đến năm 2016, khi SoftBank Group mua lại công ty với giá 32 tỷ USD. Nvidia trước đó cho biết họ dự kiến giao dịch sẽ kết thúc trong năm nay.
Theo Fortune, thương vụ Arm gặp khó khăn không ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu của Nvidia. Ngay cả sau một đợt sụt giảm gần đây, nó đã tăng hơn 80% trong 12 tháng qua. Công ty đã xây dựng danh tiếng của mình trong việc sản xuất bộ xử lý đồ họa 3D cho trò chơi điện tử, đã và đang mở rộng sang các máy chủ và các thị trường khác, giúp biến nó thành công ty chip lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị thị trường.
Thương vụ thất bại cũng làm dấy lên căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về chip. Quốc gia châu Á là thị trường lớn nhất cho chất bán dẫn, trong khi Mỹ là nơi có phần lớn các công ty chip lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu. Ở giữa, Vương quốc Anh phải đối mặt với khả năng tài sản công nghệ nổi tiếng nhất của mình chuyển sang quyền kiểm soát của Mỹ.
CEO của Arm, Simon Segars đã từ chức và được thay thế bởi Rene Haas. Một trong những người cho biết động thái này không liên quan đến sự sụp đổ của thỏa thuận. Segars là một trong những nhân viên đầu tiên của Arm và đã thăng tiến vượt bậc để trở thành CEO vào năm 2013. Ông tiếp tục lãnh đạo công ty sau khi được SoftBank mua lại vào năm 2016.
Masayoshi Son, CEO của SoftBank Group cho biết: “Rene là nhà lãnh đạo phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của Arm khi công ty bắt đầu chuẩn bị gia nhập lại thị trường đại chúng".
Haas là Chủ tịch của Arm IP Products Group từ năm 2017. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã tập trung vào các sản phẩm dành cho các thị trường đang phát triển như ô tô.
Arm cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang trên đà đạt được doanh thu tiền bản quyền kỷ lục, doanh thu từ giấy phép và lợi nhuận trong năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3.
Giá trị tài ròng của SoftBank – một thước đo ưa thích của ông Son khi nói về hiệu quả hoạt động của SoftBank, đã giảm xuống còn 168 tỷ USD tính tới tháng 12/2021, giảm từ 187 tỷ USD ba tháng trước đó. Điều này khiến tỷ lệ vay trên giá trị (LTV) của công ty tăng lên 22%, mức cao nhất kể từ năm 2018.
Trong quý cuối năm ngoái, quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank đã có lợi nhuận trở lại với 109 tỷ Yên (940 triệu USD), sau khi lỗ kỷ lục 825,1 tỷ Yên quý trước đó.