SKĐS - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục ở mức cao khiến người dân lo lắng, đổ xô đi mua thuốc và thiết bị phòng dịch.
SKĐS - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội liên tục ở mức cao khiến người dân lo lắng, đổ xô đi mua thuốc và thiết bị phòng dịch.
Dạo một vòng quanh các tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người dân xếp hàng trước các hiệu thuốc đợi mua hàng.
Tại cửa hàng thuốc G.H trên đường Hồ Tùng Mậu, sau khi đưa gia đình ra hiệu thuốc nhờ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, thì có 03/4 thành viên trong gia đình chị Minh phát hiện nhiễm COVID-19.
Ngay lập tức, chị mua thêm 8 que xét nghiệm để về tự thực hiện tại nhà trong những ngày phải cách ly, kèm theo đó là các loại nước súc miệng, vitamin C, thuốc hạ sốt, máy đo nồng độ SpO2, bù điện giải… và các loại dược liệu gừng, xả, chanh, tía tô để xông…
Chị Minh ngỏ ý muốn mua thêm thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir, nhưng không có đơn của bác sĩ nên hiệu thuốc không bán, sau một hồi "năn nỉ" không được, chị đành gọi điện cho người thân làm bên dược nhờ mua.
Sau khi phòng làm việc phát hiện 02 người mắc COVID-19, Thảo nhân viên kế toán của một công ty tại Đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm) trở thành F1. Đề phòng bất trắc, em mua dự trữ 5 kít xét nghiệm cho 5 ngày phải cách ly, kèm theo đó là các loại thuốc, thực phẩm chức năng từ Đông đến Tây y... Chưa yên tâm, Thảo lên mạng đặt mua một máy đo nồng độ SpO2 cùng một hộp thuốc của Nga được giới thiệu là điều trị điều trị COVID-19 rất hiệu quả.
Chị N.A, chủ hiệu thuốc trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết, từ sau Tết đến nay, cửa hàng của chị luôn tấp nập khách, lượng khách hàng tăng từ 10-15%, chị phải thuê thêm nhân viên bán hàng. Trước kia có khi cả tuần, thậm chí cả tháng mới nhập hàng một lần nhưng hiện nay ngày nào nhà chị cũng nhập hàng mới. Tuy nhiên giá các mặt hàng tăng lên rất nhiều, có những loại rất khan hiếm như siro trị ho, vitamin, thực phẩm tăng sức đề kháng... Chuyển khoản trước cả tuần nhưng vẫn không nhập được hàng để bán.
Bên cạnh các loại thuốc thông thường như nước súc họng, hạ sốt, trị ho, vitamin... thì các loại thuốc điều trị COVID-19, kít xét nghiệm được người dân hỏi mua rất nhiều.
Mặc dù đã tư vấn cho khách hàng biết, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhưng nhiều trường hợp không phải F0, không có đơn thuốc cũng muốn mua về dự trữ. Có những người đứng nài nỉ nhân viên bán hàng đến cả giờ đồng hồ, thậm chí sáng mua không được, tối lại ra mua tiếp khiến nhân viên cũng rất khó xử.
"Bán thì không đúng quy định nhưng nếu không bán, người dân lại tìm mua trên mạng xã hội, giữa ma trận thuốc được quảng cáo trên các trang mạng khó xác định được đâu là thuốc thật, đâu là giả", chị A. phân trần.
Nhiều loại thuốc của Nga, Trung Quốc… được giới thiệu điều trị COVID-19 hiệu quả mặc dù không có trong danh mục thuốc điều trị COVID-19 được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Việc mua bán các loại thuốc này vẫn rất rầm rộ, thậm chí loại thuốc Molnupiravir chỉ được mua tại các nhà thuốc khi có đơn của bác sĩ nhưng trên các tài khoản mạng xã hội vẫn rất nhộn nhịp người mua bán.
Trao đổi với phóng viên, chủ quầy thuốc B.V (trên đường Lê Văn Lương) cho biết, ngoài nhu cầu thực thì việc người dân lo lắng, mua dự trữ quá nhiều kít xét nghiệm hoặc các loại thực phẩm chức năng, thuốc điều trị... khiến các mặt hàng trở nên khan hiếm và đẩy giá thành tăng cao. Điều này khiến một số đối tượng bất chấp pháp luật và đạo đức tuồn các nguồn hàng không rõ nguồn gốc về Việt Nam. Nếu sử dụng các loại thuốc này rất nguy hiểm với sức khỏe.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo người dân không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
Mới đây, Bộ Y tế đã có Công văn số 976/BYT-QLD về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định. Đối với các cơ sở kinh doanh dược, Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, các cơ sở cung ứng thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị COVID-19 và bán đúng giá đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược. |