Sau gần 2 thập kỷ Bắc Kinh đưa ra ý tưởng về thuế bất động sản thì giờ đây, Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc áp thuế đối với những người sở hữu bất động sản.
Sau gần 2 thập kỷ Bắc Kinh đưa ra ý tưởng về thuế bất động sản thì giờ đây, Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc áp thuế đối với những người sở hữu bất động sản.
Theo CNBC, một thay đổi lớn so với trước đây là Bắc Kinh hiện nay có động lực chính trị để thúc đẩy ý tưởng đánh thuế bất động sản. Gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cam kết mang lại “thịnh vượng chung” - sự giàu có vừa phải cho tất cả người dân, thay vì phần lớn của cải tập trung vào một số ít cá nhân. Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi điều tiết thu nhập quá cao của một bộ phận trong xã hội thông qua các biện pháp như thử nghiệm đánh thuế bất động sản.
Thời điểm thích hợp để triển khai thử nghiệm thuế bất động sản
Cách đây ít ngày, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc thử nghiệm này trong thời gian 5 năm tại một số khu vực chưa được nêu cụ thể. Nỗ lực này được đưa ra sau nhiều năm Trung Quốc tìm nhiều cách để hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường nhà đất, lĩnh vực chiếm một tỷ trọng lớn trong tài sản hộ gia đình ở nước này.
“Tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã chọn đúng thời điểm vì sắp đến đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản nước này vào năm tới. Trong bối cảnh như vậy, việc không thực thi nghiêm ngặt chính sách của Chính phủ trung ương sẽ đặt ra rủi ro đối với sự nghiệp của các quan chức địa phương”, chuyên gia kinh tế trưởng Yue Su thuộc The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định với CNBC về thời điểm Trung Quốc triển khai thử nghiệm thuế bất động sản.
Lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu bàn về thuế bất động sản vào năm 2003, nhưng đến nay mới chỉ có hai địa phương là Thượng Hải và Trùng Khánh triển khai thuế này ở mức độ hạn hẹp. Kinh nghiệm của hai thành phố này trong thập kỷ qua chưa đủ sức thuyết phục để các địa phương khác áp thuế bất động sản, theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, ông Larry Hu.
Năm 2020, thuế bất động sản ở Thượng Hải và Trùng Khánh chỉ chiếm 5% hoặc ít hơn tổng thu thuế của địa phương, đồng thời đóng góp ít hơn nhiều so với tiền thu được từ bán đất, ông Hu cho hay.
Còn theo dữ liệu từ Moody’s, hơn 20% nguồn thu của các chính quyền địa phương Trung Quốc là tiền bán đất cho các công ty phát triển bất động sản. Tuy nhiên, nếu được triển khai thành công, thuế bất động sản có thể mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương, bởi địa ốc và các lĩnh vực liên quan đóng góp ít nhất 25% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.
Những con số này chỉ hé lộ một phần về lĩnh vực bất động sản với vai trò một lực lượng quan trọng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Việc Trung Quốc tư nhân hoá thị trường nhà đất vào năm 1998 cho phép thế hệ trước mua được nhà với mức giá rẻ hơn, theo đó giúp họ có cơ hội nắm giữ một tỷ trọng lớn của thị trường bất động sản so với các thế hệ sau. Ngoài ra, giá nhà đất tại các địa phương khác nhau của Trung Quốc cũng có sự chênh lệch lớn.
“Thuế bất động sản ở Trung Quốc sẽ không chỉ là một cách để phân bổ lại tài sản từ người giàu sang người nghèo, mà còn từ thế hệ già hơn và cư dân thành thị sang bộ phận còn lại”, ông Hu nói. “Bởi vậy, tâm lý phản đối thuế bất động sản không chỉ trên diện rộng mà còn rất mạnh mẽ”.
Moody’s cho biết, tài sản chiếm khoảng 70% đến 80% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc và chiếm khoảng 10% thu nhập hộ gia đình.
Việc đánh thuế bất động sản trên toàn quốc có thể sẽ yêu cầu công bố tài sản bất động sản của các doanh nghiệp và lãnh đạo chính phủ, có nghĩa là một chính sách như vậy có thể gặp phải sự phản kháng ngay cả khi đất nước đang mạnh tay chống tham nhũng.
Tuy nhiên, những diễn biến chính trị mới nhất có thể làm cán cân thay đổi. Nhiều tỷ phú Trung Quốc đã giàu lên nhờ kinh doanh bất động sản, bằng cách gây dựng những doanh nghiệp như Evergrande và dựa vào vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng. Việc sử dụng đòn bẩy nợ này đã trở thành một mục tiêu giám sát của Chính phủ Trung Quốc trong 18 tháng qua.
Ngoài ra, hồi tháng 8, ông Tập nói rằng việc theo đuổi “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc sẽ đòi hỏi kiềm chế thu nhập “quá mức” và khuyến khích người giàu hiến tặng nhiều hơn cho xã hội. Cuối tháng đó, Cơ quan Thuế Quốc gia Trung Quốc cho biết đang điều tra những cá nhân che giấu thu nhập và trốn thuế.
“Ý tưởng ‘thịnh vượng chung’ dĩ nhiên nhằm tạo ra một tầng lớp trung lưu mới và hạnh phúc, là những người mua được nhà với mức giá phải chăng, được tiếp cận với chăm sóc y tế giá phải chăng và giáo dục với chi phí phải chăng”, chiến lược gia David Roche của Independent Strategy nhận định với CNBC.
“Để làm được điều đó, Trung Quốc cần đảm bảo rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ hay đầu tư”, ông Roche nói. “Bởi vậy, thuế bất động sản sẽ không phải là thuế mà các chính quyền địa phương tuỳ chọn để triển khai, mà là thứ họ bắt buộc phải làm theo mệnh lệnh từ trên xuống. Như thế, chắc chắn thuế bất động sản sẽ phải được thực thi”.
Nhưng dù động lực chính trị có mạnh mẽ như vậy, các nhà phân tích không cho rằng Trung Quốc sẽ đánh thuế bất động sản ngay lập tức trên toàn quốc.
“Chúng tôi tin Bắc Kinh quyết tâm đẩy nhanh việc triển khai thuế bất động sản, nhưng vẫn sẽ triển khai theo một cách thận trọng và từ tốn theo từng giai đoạn”, chuyên gia kinh tế trưởng Ting Lu thuộc Nomura nhận xét trong một báo cáo. “Tuy nhiên, kỳ vọng của các hộ gia đình Trung Quốc cho rằng giá nhà chỉ có tăng sẽ được kiềm chế đáng kể. Vì vậy, doanh số bán nhà mới trên cả nước có thể chậm lại, và Bắc Kinh có thể đối mặt với thách thức gia tăng trong việc áp thuế bất động sản toàn quốc. Những tổn thất trong ngắn hạn là tất yếu”.
Cuối cùng, các nhà chức trách sẽ cần phải cân nhắc những hậu quả kinh tế của bất kỳ động thái nào đối với thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Theo Su của EIU, nếu đồng thời xảy ra các vụ bãi bỏ tài sản, điều đó có thể làm chậm việc áp dụng thuế tài sản và tăng khả năng xin miễn trừ của các cá nhân.