Thủ tướng nhấn mạnh, trong thực hiện các giải pháp phải tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh; khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thực hiện các giải pháp phải tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh; khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Sáng ngày 11/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận, công tác phòng, chống dịch trong tuần qua đã có những kết quả tích cực. Trong số 23 địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay, có 8 địa phương kiểm soát dịch tốt gồm Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
12/23 địa phương gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực.
Riêng tình hình tại Kiên Giang lại diễn biến phức tạp hơn, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp chòng chống dịch, nhất là trong quản lý di chuyển, cách ly, chấp hành giãn cách xã hội.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới, theo đó, giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian giãn cách. Muốn vậy, phải có tư duy, nhận thức, phương pháp luận, cách tiếp cận thống nhất, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thực hiện các giải pháp phải tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Đây là bài học từ thực tiễn trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh sơ kết mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà để nghiên cứu nhân rộng.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội.
Đồng thời, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; sớm triển khai chương trình “sóng và máy tính cho em” để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong lúc khó khăn. Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch về xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị..., Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thêm về nội dung này.
Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ phương châm truyền thông với mục tiêu “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”. Đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải quán triệt tư tưởng này tới toàn hệ thống chính trị và từng người dân.
Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài truyền hình, phát thanh địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng tăng dung lượng tin bài, thời lượng phát sóng với nội dung phổ biến kiến thức khoa học về phòng chống dịch và hướng dẫn về phòng bệnh, điều trị bệnh cho người dân, các mô hình hay, cách làm tốt…
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ông cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.
Tiếp tục triển khai 6 nhóm trọng tâm trong hoạt động dân vận để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động hơn nữa trong chuẩn bị vaccine cho năm tới và cho trẻ em. Xem xét, tính toán kỹ việc phân bổ vaccine theo thứ tự ưu tiên, thực sự linh hoạt, phù hợp, khoa học, an toàn, hiệu quả. Hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị;
Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Tập trung phát triển công nghiệp dược. Chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp.