Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, chỉ trong thời gian rất ngắn (riêng trong quý IV), thu ngân sách nhà nước tăng hơn 9 lần so với số báo cáo Quốc hội, số tăng thu chiếm khoảng 90,1% số tăng thu ngân sách cả năm.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, chỉ trong thời gian rất ngắn (riêng trong quý IV), thu ngân sách nhà nước tăng hơn 9 lần so với số báo cáo Quốc hội, số tăng thu chiếm khoảng 90,1% số tăng thu ngân sách cả năm.
Thu ngân sách vẫn tốt, nhiều khoản thu đột biến
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo đó, năm 2021 thu ngân sách đạt 1,56 triệu tỷ đồng, vượt 225,1 nghìn tỷ đồng (+16,8%) so dự toán, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội (1,36 triệu tỷ đồng)
Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,... ) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời, phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến khi xây dựng dự toán.
Đó là: thu thuế thu nhập DN từ chuyển nhượng dự án KĐT Phước Hưng 2.373 tỷ đồng; thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Tập đoàn Ecopark 1.290 tỷ đồng; thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu bán cho hai nhà máy điện BOT (của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ 20/3/2019 và năm 2020 là 2.457 tỷ đồng; thu từ chuyển nhượng vốn của một số doanh nghiệp khoảng 5.300 tỷ đồng...
Ngoài ra, số thu đột biến từ thu tiền sử dụng đất một lần cho cả đời dự án (Đại sứ quán Mỹ, Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Vạn Hương; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp,… ) khoảng 7.000 tỷ đồng; thu hồi chi năm trước của Ban quản lý dự án Thủ Thiêm 2.515 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam cũng có những dấu hiệu tốt hơn.
Kết quả quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021, thông qua các tổ chức tại Việt Nam là trên 4.500 tỷ đồng (bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm). Trong đó, một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá công tác phân tích, dự báo thu ngân sách còn chưa sát với thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Thu NSNN vượt lớn so dự toán và báo cáo Quốc hội, nhưng chủ yếu là vượt thu từ tiền sử dụng đất của ngân sách địa phương, đây là các khoản thu không ổn định, bền vững. Quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp; nợ đọng thuế có xu hướng tăng.
Dự báo có vấn đề, kéo dài nhiều năm không dứt
Cùng với băn khoăn trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa bảo đảm chất lượng, không sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 năm 2021 và số đánh giá bổ sung.
Theo Ủy ban này, chỉ trong thời gian rất ngắn (riêng trong quý IV), thu ngân sách nhà nước tăng hơn 9 lần so với số báo cáo Quốc hội, số tăng thu chiếm khoảng 90,1% số tăng thu NSNN cả năm.
Mặc dù dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó dự báo chính xác, song việc chênh lệch quá lớn so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 thể hiện năng lực dự báo, đánh giá còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng dự toán năm sau và hiệu quả phân bổ, sử dụng NSNN.
Do vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục, nâng cao năng lực phân tích, dự báo các nguồn thu để tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 và những năm tiếp theo.
Có ý kiến cho rằng, việc tăng thu là do xây dựng dự toán thu NSNN 2021 ở mức thấp, thực chất, số thu năm 2021 chỉ tương đương với mức thu NSNN năm 2019, do vậy cần đánh giá cụ thể tình hình quản lý thu và mức độ tăng trưởng, bảo đảm thu NSNN trong những năm tới đạt kết quả tích cực hơn.
Ngoài ra, Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bị giảm. Thu ngân sách TƯ có tăng nhưng chiếm tỷ trọng thấp (vượt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21,7% tổng mức tăng thu), tăng thu từ ngân sách địa phương (vượt 176,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán) chiếm tỷ trọng cao.
Một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách cảnh báo “cơ cấu thu chưa thật sự bền vững, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên”.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu từ dầu thô vượt 21,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 9.400 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, việc tăng thu do cả yếu tố tăng giá và tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, sản lượng khai thác luôn vượt dự toán được giao. Trong khi đó, việc xây dựng dự báo về sản lượng dầu thô hằng năm có căn cứ khả thi: quy mô, số lượng, khả năng khai thác các mỏ.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ chú trọng công tác dự báo, đồng thời báo cáo tổng thể về quy mô các mỏ khai thác, trữ lượng, phương án dự kiến mở rộng để xây dựng kế hoạch khai thác tổng thể, hợp lý, mang tầm nhìn dài hạn, tránh bị động trong quản lý, điều hành khi nguồn dầu thô sụt giảm.
Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất có mức tăng lớn so với dự toán (tăng 74.081 tỷ đồng) và số báo cáo Quốc hội (tăng 44.881 tỷ đồng) cũng là vấn đề lưu tâm. Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đây là khoản thu không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, lâu dài tài nguyên đất. Đồng thời, cần xây dựng dự toán sát hơn để điều hành NSNN chủ động, hiệu quả.
Dự toán NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định với: tổng số thu là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Tổng thu NSNN đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2021.
Đáng lưu ý, thu về dầu thô đạt 80,7% dự toán, tăng 82,6% (giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đạt 97,4 USD/thùng, tăng 37,4 USD/thùng so dự toán).