Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản lượng xuất khẩu cà phê giảm mạnh trong khi nguồn cung dồi dào đã khiến giá cà phê trên thị trường thế giới cũng giảm sút.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản lượng xuất khẩu cà phê giảm mạnh trong khi nguồn cung dồi dào đã khiến giá cà phê trên thị trường thế giới cũng giảm sút.
Cụ thể, trong tháng 4/2021, xuất khẩu cà phê giảm mạnh khoảng 110.000 tấn, giảm 35,15% so với tháng 2/2021. Lũy kế 4 tháng xuất khẩu đạt 563.000 tấn, giảm 17,54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê trên thế giới, trong các phiên giao dịch gần đây liên tục giảm. Kết thúc phiên giao dịch, ngày 30/4/2021, giá cà phê Robusta Việt Nam trên sàn ICE Europe - London đảo chiều giảm. Trong kỳ hạn giao tháng 7, giá cà phê vẫn tiếp tục giảm xuống 16 USD còn 1.452 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9 giảm xuống 14 USD, còn 1.475 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US - New York giá cà phê Arabica cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 2,85 cent, xuống 143 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,9 cent, còn 144,9 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê đảo chiều giảm không gây ngạc nhiên khi cả hai sàn phát sinh đã vào vùng mua “quá mức” cần phải điều chỉnh lại. Hiện sản lượng cà phê Arabica Brasil (Châu Mỹ) năm nay cũng sụt giảm nghiêm trọng không chỉ do bị khô hạn ngay từ đầu mà còn rơi vào năm giảm theo chu kỳ ‘hai năm một”.
Theo phân tích mới nhất của Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe, nhà thương mại cà phê hàng đầu thế giới: "Nhu cầu tiêu dùng cà phê chậm hồi phục vì dịch bệnh phát triển, thậm chí sẽ một lần nữa thị trường cà phê có thể bị "nhấn chìm". Neumann Kaffee Gruppe không còn kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong niên vụ cà phê 2020 - 2021. Điều đó làm cho dự báo lạc quan về mức tiêu thụ tăng 0,9% được thực hiện trong tháng 12/2020 hầu như không còn gì.
Theo Tập đoàn Cà phê Neumann, dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến nhu cầu cà phê giảm 1,5% trong niên vụ trước. Trước đại dịch, họ đã kỳ vọng mức tiêu thụ sẽ tăng 0,5%. Nhu cầu luôn là yếu tố dễ dự đoán nhất, ổn định nhất và dễ dàng nhất trong cán cân cung - cầu. Nhưng ngày nay, đó là một ẩn số luôn có sự biến động, rất khó để dự đoán.
Ngày 30/4/2021, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm 200 - 300 đồng/kg, xuống dao động trong khung 33.200 - 33.700 đồng/kg. Ngày 4/5/2021, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lăk, Gia Lai giảm xuống còn 300 đồng/kg, dao động ở ngưỡng là 33.100 đồng/kg.
Trong khi đó, chi phí cho quá trình chăm sóc vườn cà phê đã lên đến hơn 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều thanh niên chuyên đảm nhiệm công việc hái cà phê cũng đã rời khỏi địa phương để tìm kiếm một công việc có thu nhập cao hơn, dẫn đến việc thiếu đi nguồn nhân lực.
Tổng giám đốc Công ty CP cà phê Phước An (Đắk Lăk), ông Hồ Sỹ Trung chia sẻ: “Giá cà phê vẫn trên dưới 30.000 đồng/kg, người nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ và không thể "ngóc đầu lên được" với mức giá này".
Trả lời báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa cho hay: “Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với ngành cà phê. Do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết các thị trường đều giảm nhập cà phê, chỉ có một số ít thị trường tăng nhập”.
Trong khi đó, sản lượng cà phê Conilon Robusta của Brazil lại tăng đột biến, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, cung nhiều hơn cầu. Do đó, cà phê Robusta Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều thị trường xuất khẩu cà phê giảm mạnh. Chưa kể giá cước tàu tăng cao thời gian qua cũng làm khó doanh nghiệp xuất khẩu nói chung.
Tuy nhiên, thị trường cà phê vẫn kỳ vọng vào giá cà phê Robusta London khi nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho nền công nghiệp sản xuất cà phê hòa tan ngày càng lớn. Nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội trở lại ở nhiều quốc gia do đại bệnh Covid-19 tái bùng phát, nhu cầu cà phê hòa tan sử dụng tại nhà của người tiêu dùng càng gia tăng.