Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản" cho biết, trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đã có sự phát triển vượt bậc.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.
Đây là con số ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới gần 4 triệu tài khoản, trong đó, số tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán năm 2020 đã đạt trên 30 điểm phần trăm GDP”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Cũng theo thông tin tại Tọa đàm, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030.
Quy mô thị trường trái phiếu phấn đấu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phát sinh đạt khoảng 20 đến 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030 với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư ngoài nước hợp lý…
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong các nhóm giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, bền vững thì việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là rất quan trọng, là điểm tựa quan trọng cho sự đi lên của thị trường.
Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, giai đoạn 2020-2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, tập trung vào công tác tuyên truyền; xem xét hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý phù hợp thị trường. Bên cạnh đó, sẽ xem xét, nghiên cứu cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư, thị trường chứng khoán; các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát và tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp…
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, sẽ thực thi tốt chính sách pháp luật, đảm bảo thị trường vận hành an toàn lành mạnh. Ủy ban chứng khoán đang tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên tham gia thị trường chứng khoán; tiếp tục xây dựng các tiêu chí giám sát phù hợp hơn nhằm tăng cường giám sát.
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển sang giai đoạn mới, thời kỳ mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển kinh tế. Sự phát triển thị trường trong hai năm qua là bản lề để chắc chắn sẽ tiếp tục đi lên bền vững.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect - một trong những thành viên tham gia thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, cho rằng, sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam trở nên bền vững hơn rất nhiều.
“Trước năm 2000, khi nói đến thị trường tài chính Việt Nam, chúng ta chỉ nhắc đến hệ thống ngân hàng thương mại. Toàn bộ việc huy động vốn dồn lên vai của hệ thống ngân hàng. Đến nay, chúng ta có kênh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu giúp doanh nghiệp, Chính phủ huy động vốn rất hiệu quả…”, ông Quỳnh cho hay.
Cũng theo ông Quỳnh, tiềm năng thị trường còn rất lớn, dù tài khoản chứng khoán mở mới trên thị trường tăng cao trong thời gian qua, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 1% dân số thực sự giao dịch chứng khoán, quy mô hơn 1 tỷ USD mỗi phiên.
Trong các biện pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới, việc nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực phục vụ của công ty chứng khoán là cần thiết để thị trường vận hành hiệu quả và tốt hơn trong thời gian tới.