Trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào BĐS – Chính sách và tác động” diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, ngành BĐS đóng góp cho GDP đến 14%, nên dòng vốn đổ vào thị trường rất lớn, kéo theo những tác động đến thị trường tài chính – tiền tệ. Tuy nhiên, khi một dự án được hình thành, chủ đầu tư phải bỏ 50% vốn cho các thủ tục đầu tư, đóng thuế, chuẩn bị đầu tư, giải phóng đền bù… Giai đoạn hoàn thiện cần 50% vốn còn lại – chủ đầu tư mới bắt đầu được huy động vốn.
Trong khi đó, quy định yêu cầu nguồn vốn tự có của doanh nghiệp từ 10 – 15%, sau đó mới được từ vay tín dụng, phát hành trái phiếu… và chỉ được huy động sau khi xong hạ tầng, nền móng. Thời gian gần đây, ngân hàng ban hành nhiều Thông tư để “siết” nguồn vốn, để có vốn kinh doanh DN phải huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhưng nảy sinh sai phạm của một số DN gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh minh bạch, nghiêm túc.
“Hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các quỹ đầu tư. Nếu kiểm soát quá kĩ càng, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động đầu tư - ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như ngành nghề liên quan. Nguy hiểm nhất là thị trường mất niềm tin. Thực tế, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn” – ông Nguyễn Văn Đính nhân mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, việc các ngân hàng thương mại dừng cho vay tín dụng BĐS. Dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là “bà đỡ” của doanh nghiệp BĐS trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án để đến giai đoạn thu hút vốn khách hàng.
Doanh nghiệp BĐS đang kỳ vọng vào nguồn vốn thứ hai là trái phiếu, tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh, chiếm 39% GDP trong khi các nước lân cận trên thế giới tới hơn 50%. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu bên cạnh những doanh nghiệp mạnh còn doanh nghiệp đưa ra lãi xuất cao lại không có tài sản bảo đảm hoặc đưa ra tài sản bảo đảm thiếu tính khả thi, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chủ đầu tư chân chính; Kênh huy động chứng khoán thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có uy tín, giữ vững tiến độ.