Gazprom cho biết công ty khí đốt của quốc gia nghèo nhất châu Âu - Moldovagaz đã thanh toán một phần lượng khí đốt trong tháng 11 theo hợp đồng. Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt của Nga cũng cho biết thêm rằng, gần 25 triệu mét khối khí đốt đã được cung cấp trong tháng này cho Moldova nhưng chưa được thanh toán.
Công ty khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Nga tuyên bố, nếu họ thấy có “sự mất cân bằng trong quá trình vận chuyển khí đốt tới người tiêu dùng Moldovan qua đường ống đi qua Ukraine thì Gazprom “sẽ bắt đầu giảm nguồn cung cấp khí đốt" qua Ukraine, bắt đầu từ thứ Hai tới (28/11).
Nga cáo buộc Kiev đã giữ lại 52,52 triệu mét khối khí đốt đáng ra được cung cấp cho Moldova.
Cả Moldova và Ukraine đều đáp trả Gazprom, trong đó Kiev khẳng định rằng tất cả các nguồn cung cấp mà Nga gửi qua nước này đã được "chuyển hoàn toàn" cho Moldova.
“Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng khí đốt như một công cụ gây áp lực chính trị. Đây là một sự thao túng trắng trợn sự thật nhằm biện minh cho quyết định tiếp tục hạn chế khối lượng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu”, ông Olha Belkova thuộc Công ty điều hành Hệ thống Truyền tải Khí đốt của Ukraine cho biết.
Đây là sự leo thang mới nhất sau khi Nga cắt hầu hết các dòng chảy khí đốt tự nhiên đến châu Âu trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine – một hành động bị các nhà lãnh đạo châu Âu miêu tả là tống tiền năng lượng trong khi Gazprom đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì và thanh toán. Bên cạnh đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine, một đường ống khác vẫn đang đưa khí đốt của Nga đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước vào mùa đông khi nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng lên để sưởi ấm nhà cửa cũng như cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện, bất kỳ sự giảm nguồn cung nào cũng có thể đồng nghĩa với giá cả cao hơn, điều này đã thúc đẩy lạm phát tăng cao và gây áp lực cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Giá khí đốt tự nhiên đã giảm kể từ mức cao nhất vào tháng 8 và các quốc gia châu Âu đã có thể lấp đầy khả năng tích trữ của họ cho mùa đông, nhưng cuộc khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu thời tiết trở nên lạnh hơn bình thường.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Moldova, với việc Nga cắt giảm một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở một số thành phố ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Moldova phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga trước chiến tranh và các hệ thống năng lượng thời Liên Xô của nước này vẫn được kết nối với Ukraine, đó là lý do tại sao các cuộc tấn công bằng tên lửa đã khiến đường dây cung cấp tự động tắt và gây mất điện tạm thời.
Với giá năng lượng và lạm phát đã ở mức cao, mối đe dọa mất thêm nguồn cung cấp năng lượng cho Moldova có thể khiến người tiêu dùng phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn của họ ở quốc gia có khoảng 2,6 triệu dân này.