Tăng ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, tổ chức tận thu mỏ dầu khí là những ý kiến được các ĐBQH nêu ra tại phiên thảo luận về Luật Dầu Khí (sửa đổi)...
Tăng ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, tổ chức tận thu mỏ dầu khí là những ý kiến được các ĐBQH nêu ra tại phiên thảo luận về Luật Dầu Khí (sửa đổi)...
Cho ý kiến về Luật Dầu Khí, ĐB Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) đặc biệt quan tâm phân tích vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Trường Giang cho biết, trong Điều 54 của dự thảo luật quy định áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư là 32%; chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì áp dụng mức thuế suất 25%.
Theo phân tích của Phó Chủ tịch UB Pháp luật, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sửa đổi thì khung thuế suất từ 25% đến 50%. Còn trong luật này lại quy định đối với ưu đãi đặc biệt là 25%, tức là mức thấp nhất, còn ưu đãi đầu tư là 32%.
“Bây giờ vấn đề đặt ra là khi nào áp dụng 45%, khi nào áp dụng 50%?. Trong khi khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều này, nghĩa là trong quá trình triển khai ký kết các hợp đồng dầu khí thì Chính phủ sẽ hướng dẫn khi nào áp dụng mức 32%, khi nào thì 40%, khi nào 50%. Nhưng trong đợt này, chúng ta ấn định ngay 2 thứ, đó là ưu đãi đặc biệt thì 25%, ưu đãi là 32%, bỏ quy định tại khoản 3 Điều 10 giao Chính phủ quy định chi tiết. Tôi thấy như vậy không hợp lý.” – ĐB Nguyễn Trường Giang phân tích.
Rà soát ở các luật có liên quan về vấn đề quy định về thuế suất, ông cũng thấy hiện nay về cơ bản các luật không quy định về thuế suất.
“Vấn đề này, tôi được biết Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo đối với các luật không phải về thuế thì không quy định thuế suất” – ĐB nói và đề nghị, một là, đồng ý sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ thuế suất tối thiểu từ 25 đến 50% là hợp lý.
Hai là, nếu được đưa ngay vào khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư thì thuế suất là 32%. Đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất là 25%. Đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1 giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25% đến 50% hoặc giao UBTVQH quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.
Phát biểu thảo luận, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) đánh giá, việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên, theo ĐB tỉnh Thanh Hóa, ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo luật thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54.
“Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư. Ngoài ra, việc bảo đảm đầu tư, kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật là cần thiết để tránh việc các nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí có khiếu kiện với Chính phủ sau này, do quyền lợi đầu tư của nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí không được đảm bảo.” – ĐB Cầm Thị Mẫn nói.
Theo ĐB tỉnh Thanh Hóa, thẩm quyền xem xét việc phê duyệt áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với các nhà thầu dầu khí đã được ký hợp đồng dầu khí được cấp giấy chứng nhận đầu tư dầu khí nên được giao cho Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính đồng bộ trong điều khoản sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật.
ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì phân tích: Hoạt động dầu khí có tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.
Theo ĐB, thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực nên đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác tận thu mỏ dầu khí, cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.” – ĐB tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.
Đóng góp cho Dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cũng thống nhất với đề xuất về việc bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí theo hướng doanh nghiệp khai thác được thực hiện tính toán trực tiếp chênh lệch thu chi trong hoạt động khai thác, không phải trích nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí.
ĐB cũng đề nghị, sau khi hợp đồng này kết thúc thì giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tiếp quản, quản lý, sử dụng tài sản công là các tài sản công trình dầu khí đã được lắp đặt đầu tư và khai thác.
Giải trình trước QH sau khi các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về ưu đãi trong hoạt động dầu khí ở Chương VII. Dự thảo luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành.
Cụ thể, được hưởng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25% so với mức 32% theo quy định hiện hành, thu hồi chi phí tối đa 80% so với mức 70% theo quy định hiện hành.
Các mức ưu đãi trên được xây dựng trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam, như là mức thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia là 25%, Trung Quốc là 25%, Myanmar là 30%, còn mức thu hồi chi phí tối đa của Malaysia là 75%, của Indonesia là 90%.
Về nội dung quy định chính sách khai thác tận thu dầu khí của dự thảo luậ, Bộ trưởng cho biết, Điều 55 dự thảo luật quy định giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí.
Theo đó, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tận thu dầu khí (hay gọi là chênh lệch dương) thì được nộp vào ngân sách nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không được hưởng lợi nhuận từ hoạt động này.
Theo Bộ trưởng, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí, việc áp dụng nguyên tắc doanh thu trừ chi phí như quy định tại dự thảo của luật sẽ tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi khai thác tận thu tài nguyên dầu khí, đặc biệt là khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn nghĩa vụ thuế tài nguyên dầu khí phải nộp theo quy định, thay vì phải kết thúc sớm dự án khai thác tận thu dầu khí, dẫn đến lãng phí tài nguyên của quốc gia.