Hoạt động sản xuất cũng như doanh số bất động sản tháng 7 tại Trung Quốc lao dốc mạnh mẽ, phản ánh sự phục hồi mong manh của nền kinh tế tỷ dân này.
Hoạt động sản xuất cũng như doanh số bất động sản tháng 7 tại Trung Quốc lao dốc mạnh mẽ, phản ánh sự phục hồi mong manh của nền kinh tế tỷ dân này.
Hôm qua (ngày 31/7), Cục Thống kế Quốc gia (NBS) của Trung Quốc đã công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất giảm từ 50,2 điểm trong tháng 6 xuống 49 điểm trong tháng 7.
Sự phục hồi mong manh của Trung Quốc đến từ việc Chính phủ nước này vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược zero-Covid. Hơn nữa, sự xuất hiện của một số ổ dịch tại thành phố Thâm Quyến đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, làm gia tăng quan ngại chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục bị đứt gãy.
Liu Peiqian, nhà kinh tế trưởng tại NatWest Group Plc, cho biết: “Các chính sách liên quan đến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục làm giảm động lực phục hồi. Do đó, cần có nhiều chính sách nới lỏng hơn để ổn định nhu cầu trong nước vào những tháng tới”.
GDP quý II của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt khoảng 4% hoặc thậm chí có thể thấp hơn. Hơn nữa, với việc thị trường bất động sản đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng phát triển kinh tế, các chuyên gia nhận định các gói hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng đang rất cấp thiết.
Lãnh đạo Trung Quốc trong tuần trước cho biết không quá đặt nặng nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, song không đưa ra bất kỳ gói giải pháp hỗ trợ mới nào nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Xem thêm: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc huy động gói cứu trợ gần 150 tỷ USD cho các dự án bất động sản
Bên cạnh đó, chỉ số PMI mới được công bố cho thấy đà suy giảm được ghi nhận trong tất cả các nhóm doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, tiếp tục tăng nhưng với tốc độ thấp hơn so với trước đó.
NBS viện dẫn nhiều lý do dẫn đến sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất, bao gồm các yếu tố mùa vụ và sự sụt giảm trong các ngành cần tiêu thụ nhiều năng lượng. Số lượng đơn hàng sản xuất mới cùng như đơn hàng xuất khẩu trong cả hai lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đều đi xuống trong tháng vừa qua.
Cơ quan này cho biết: "Nhu cầu thị trường không đủ là khó khăn chính mà các doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt hiện nay”.
Lĩnh vực bất động sản được dự báo tiếp tục ảnh hưởng xấu tới triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay khi doanh số của 100 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất quốc gia này sụt giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu của China Real Estate Information Corp.
Điểm tích cực duy nhất là mức giảm trong tháng 7 thấp hơn so với tháng trước đó, khi doanh số nhà ở giảm 43%.
Xem thêm: Trung Quốc yêu cầu ngân hàng tài trợ cho các dự án nhà ở tại nước này