Ngày 7/4, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Ngày 7/4, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua trước khi luật được thông qua tại Hạ viện nước này.
Đây là động thái mới nhất của chính giới Mỹ để thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine và trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn một gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD.
Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.
Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 7/4, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí cấm "các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng", cùng với việc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.
Các nước G7 cũng cam kết hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia láng giềng của Ukraine, những quốc gia đang tiếp nhận dòng người di cư, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho những người rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.