Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 30/12/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 30/12/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Thông báo nêu rõ: Trong các năm qua, nhất là từ khi có giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và chính quyền các địa phương đã tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt nhiều kết quả tốt, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên toàn diện các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việc quảng cáo, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội được chấn chỉnh, dần đi vào nền nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có số mặt công tác đang có biểu hiện chững lại. Còn có vướng mắc trong cơ chế thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các địa phương. Hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm chưa được triển khai hiệu quả. Còn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong khu vực sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn tập thể; để xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, gia tăng các vụ việc ngộ độc do rượu…
Khuyến khích đưa thực phẩm an toàn, hữu cơ vào các chuỗi cung ứng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao:
(1) Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 sắp tới;
(2) Đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu;
(3) Tiếp tục có cơ chế, chương trình, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy, khuyến khích đưa các sản phẩm thực phẩm an toàn, hữu cơ vào các chuỗi cung ứng, đặc biệt lưu ý có hướng dẫn cụ thể, phù hợp về quản lý an toàn thực phẩm các vấn đề mới nổi như thương mại điện tử, kinh doanh online thực phẩm chế biến, suất ăn…;
(4) Kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp, đề ra chỉ tiêu, vận động các đoàn thể vào cuộc để xử lý có hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ;
(5) Tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chủ động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; sơ kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên tinh thần củng cố các kết quả phối hợp đã đạt được và triển khai, phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, kết quả, dự toán kinh phí và phối hợp Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp kinh phí, bảo đảm điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện các Chương trình phối hợp theo quy định.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương tổ chức vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm, trong đó có kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06); phấn đấu trong năm 2023 có dữ liệu cập nhật về các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh, hộ gia đình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc cập nhật dữ liệu theo mẫu thống nhất vào hệ thống thông tin an toàn thực phẩm theo tinh thần "dễ làm trước, khó làm sau; doanh nghiệp trước, hộ gia đình, cá nhân sau…".
Đồng thời, Bộ Y tế rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (kể cả cho học sinh, công nhân, bệnh viện…), trong đó người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn về quản lý, nhận diện cồn công nghiệp, góp phần phòng tránh nguy cơ ngộ độc do rượu được pha chế từ cồn công nghiệp.
Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ về vấn đề Ban quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất mô hình tổ chức, quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 01 tháng 8 năm 2022.
Đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn; đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đối với thực phẩm tươi sống, kết hợp các hình thức xét nghiệm cảnh báo sớm đối với sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu không an toàn.
Bộ Y tế rà soát, có văn bản hướng dẫn việc sử dụng công cụ xét nghiệm nhanh phục vụ cho việc kiểm tra thực phẩm.