Những câu chuyện về các hoàn cảnh trong lạm phát là muôn hình vạn trạng, điểm chung là người kể những câu chuyện đó đều đã rơi vào khủng hoảng và khao khát được giúp đỡ.
Những câu chuyện về các hoàn cảnh trong lạm phát là muôn hình vạn trạng, điểm chung là người kể những câu chuyện đó đều đã rơi vào khủng hoảng và khao khát được giúp đỡ.
Tại Anh, với lạm phát từ đầu năm tính đến tháng 6 đã lên tới đạt 9,4%, một tổ chức đường dây nóng trợ giúp có tên Turn2us đã được thành lập, nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại cho những người gặp khó khăn về tài chính ở nước này và giúp đỡ họ.
Mỗi ngày đi làm của những nhân viên tư vấn qua đường dây nóng là một ngày phải căng não gián tiếp đối mặt với những căng thẳng bởi họ phải nghe những câu chuyện đau lòng từ vô số hoàn cảnh khó khăn trong lạm phát.
Câu chuyện mở đầu ngày hôm nay của chị Nicola (tư vấn viên đường dây nóng trợ giúp Turn2us) là về một gia đình bị đuổi khỏi nhà do không thể trả tiền thuê.
"Người mẹ và các con, họ không có một xu nào và họ không thể nấu bất cứ thứ gì. Chúng tôi đã chuyển họ vào một khách sạn nhưng dịch vụ ở đó cũng không có thức ăn. Chúng tôi đang xem xét hỗ trợ mua tủ lạnh cho họ", chị Nicola cho hay.
Tuyệt vọng là tâm lý thường thấy ở những người rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Chị Nicola cho biết thêm: "Nếu họ nói rằng họ sẽ kết thúc cuộc đời mình và cúp máy, chúng tôi phải gọi lại cho họ ngay vài phút sau đó. Và nếu như không thể đến nơi ở của họ, ít nhất chúng tôi phải lấy thông tin chi tiết từ họ để thông báo cho xe cứu thương hoặc cảnh sát để kiểm tra".
Còn trường hợp hôm nay chị Rachel (tư vấn viên đường dây nóng trợ giúp Turn2us) hỗ trợ là một giáo viên phải nhận thêm việc đi giao đồ ăn ngoài giờ để trang trải.
"Nhiều giáo viên đã nhận công việc thứ hai là tài xế giao hàng vì đơn giản là họ không đủ khả năng sống bằng lương của giáo viên trong thời điểm này. Mọi người đang cố gắng hết sức nhưng họ vẫn phải tìm đến trợ giúp", chị Rachel cho hay.
Anh Gary Waterhouse - người dân gặp khó khăn do lạm phát chia sẻ: "Tôi hiện đã nhận công việc taxi bán thời gian để có thể mua được thức ăn hàng ngày và trả các hóa đơn hàng tháng".
Trung bình,đường dây trợ giúp chỉ tính riêng ở xứ Wales nhận được 2.800 cuộc gọi mỗi tuần. Trong đó, gần một nửa số người gọi cho biết họ không còn gì trong tài khoản ngân hàng sau khi thanh toán các hóa đơn.
Các tư vấn viên của đường dây trợ giúp có thể hướng người gọi đến một số dịch vụ hỗ trợ mà họ có thể đủ điều kiện. Nhưng dù được đánh giá cao, sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ không thể đủ.