Trong bối cảnh thanh khoản của nhiều ngân hàng có dấu hiệu dư thừa cũng như lãi suất liên ngân hàng sụt giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định rút ròng tiền Đồng khỏi thị trường.
Trong bối cảnh thanh khoản của nhiều ngân hàng có dấu hiệu dư thừa cũng như lãi suất liên ngân hàng sụt giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định rút ròng tiền Đồng khỏi thị trường.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong phiên giao dịch 24/6, cơ quan này đã thực hiện rút ròng gần 20.000 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu trên thị trường mở.
Như vậy, đây đã là phiên hút ròng tiền Đồng khỏi thị trường lần thứ 4 liên tiếp của cơ quan quản lý tiền tệ.
Cụ thể, sau phiên chào thầu tín phiếu quy mô 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và chỉ có 200 tỷ đồng khớp (hút về) với lãi suất trúng thầu 0,3%/năm vào ngày 21/6, thì liên tiếp trong phiên 22/6 và 23/6, NHNN đã hút về lần lượt 19.400 tỷ và gần 30.000 tỷ với lãi suất lên tới 0,7% dù cùng loại tín phiếu kỳ hạn 7 ngày.
Như vậy, chỉ sau 4 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã rút ra khỏi thị trường gần 70.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Đáng chú ý, hoạt động hút thanh khoản quyết liệt của NHNN diễn ra sau khi cơ quan này chỉ mới sử dụng lại kênh tín phiếu từ ngày 21/6 sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng đóng băng. Đây là bước đi đặc biệt của nhà điều hành khi trước đó liên tục ''buông'' kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 2 năm qua NHNN mới thực hiện rút ròng tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu. Suốt từ năm 2020 đến nay, cơ quan này chỉ thực hiện bơm ròng tiền Đồng ra thị trường và thực hiện các giao dịch đáo hạn tín phiếu.
Khi hệ thống thiếu tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, nếu lãi suất này chạm trần mục tiêu thì NHNN sẽ bơm thanh khoản bằng hai công cụ là Repo giấy tờ có giá hoặc Cửa sổ chiết khấu.
Ngược lại, khi hệ thống dư tiền, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và nếu giảm chạm đáy mục tiêu thì NHNN sẽ hút tiền về bằng việc bán đứt tín phiếu. Khi đó, tiền sẽ chảy về NHNN, hệ thống giảm sự dư thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào vùng mục tiêu.
Xem thêm: NHNN có thể sẽ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn
Số liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản Citad được duy trì ở mức cao trong lịch sử, hơn 400.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh khoảng 110.000 tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã mua 75 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 1.741 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản của NHNN, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng nhẹ lên mức 0,5% vào ngày 24/6 từ mức 0,3 - 0,4% vài ngày trước đó. Diễn biến này sẽ phần nào giúp điều chỉnh đà tăng của tỷ giá hối đoái và giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Với việc bơm tiền USD và rút tiền VNĐ khỏi thị trường, động thái này xuất phát từ áp lực tỷ giá tăng lên khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất điều hành, khiến chỉ số USD tăng mạnh.
So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2,5%. Trong khi giá USD trên thị trường tự do tiếp tục duy trì quanh vùng 23.950 – 24.000 đồng/USD, tương ứng mức tăng khoảng 1,6% so với cuối năm 2021.
Để ổn định thị trường, NHNN đã phải triển khai các biện pháp can thiệp như thay đổi tỷ giá bán USD và bán ngoại tệ hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ.
Xem thêm: NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ, ổn định tỷ giá