Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng hay kim loại, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng hay kim loại, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Hàng chục quốc gia từ Trung Đông, Nam Á đến Bắc Phi vẫn luôn phải lệ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ, ngô và dầu thực vật của Nga và Ukraine. Những quốc gia nhập khẩu nhiều nông sản từ Ukraine hay Nga này giờ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, khi các tuyến đường vận tải tại Biển Đen rơi vào tình trạng tê liệt.
Mặc dù ở cách Ukraine tận 2.400 km, Ai Cập vẫn có thể cảm nhận được rõ ràng tác động của cuộc xung đột đang diễn ra. Tại quốc gia Bắc Phi này, hàng triệu người dân vẫn đang sống dựa vào bánh mỳ trợ cấp, được làm từ lúa mỳ của Ukraine.
Tuy nhiên, giờ đây, những chuyến tàu vận chuyển lúa mỳ tại khu vực Biển Đen hoặc là đang mắc kẹt tại cảng hoặc phải đối mặt với rủi ro tăng cao và chi phí vận chuyển tăng phi mã.
"Xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ khiến nguồn dự trữ của chúng tôi giảm xuống, từ chỗ có thể đáp ứng nhu cầu trong 4 năm tới, sẽ chỉ còn 2 đến 3 tháng. Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng lớn đến chúng tôi, gây ra tình trạng thiếu hụt lúa mỳ", ông Abdel Fattah Solaiman - người dân Ai Cập cho hay.
Ai Cập hiện là quốc gia nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Trong năm ngoái, khoảng 50% lúa mỳ nhập khẩu của nước này là từ Nga và 30% là từ Ukraine. Do đó, tác động của cuộc xung đột đối với Ai Cập là đặc biệt nặng nề.
Ông Ahmed Shoukry Rashad - Chuyên gia Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế Ai Cập cho biết: "Các số liệu của cơ quan Chính phủ cho thấy, chúng tôi có đủ dự trữ cho 4 tháng. Cộng với sản lượng nội địa, chúng tôi có thể duy trì được tới tháng 11. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc cuộc xung đột kéo dài bao lâu".
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Lebanon - quốc gia có tới 80% lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine, còn lại là Nga, Moldovia và Rumani - những quốc gia nằm gần Biển Đen.
"Hoạt động vận tải tại Biển Đen đã bị đình trệ do xung đột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhập khẩu. Hiện chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung thay thế, có thể là từ các nước châu Âu khác như Pháp, Đức", ông Ahmed Hoteit - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu lúa mỳ Lebanon cho biết.
Mặc dù vẫn chưa xảy ra sự gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu, giá lúa mỳ hiện đã đạt mức cao kỷ lục. Hội đồng ngũ cốc quốc tế dự báo, nếu xung đột kéo dài, nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Phi và châu Á, vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mỳ giá rẻ từ Nga và Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kể từ tháng 7, đó là chưa kể tới các nông sản khác.
Ông Arif Husain - Chuyên gia kinh tế, Chương trình Lương thực Thế giới nói: "Hiện nay, khoảng 30% lượng lúa mỳ của thế giới được sản xuất tại Nga và Ukraine. Ngoài ra, còn có 20% lượng ngô và khoảng 80% dầu hướng dương. Do vậy, tác động của cuộc xung đột sẽ lan rộng ra toàn thế giới".
Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã đạt mức 140,7 điểm - tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 61 năm qua. Tình hình được dự báo có thể sẽ còn trầm trọng hơn nữa, nếu những vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng tại Ukraine không sớm lắng dịu.