Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động một chiến dịch gây áp lực toàn diện trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn cản các đồng minh Trung Đông cắt giảm đáng kể sản lượng dầu, nhiều nguồn tin nắm vấn đề đã tiết lộ như vậy.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động một chiến dịch gây áp lực toàn diện trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn cản các đồng minh Trung Đông cắt giảm đáng kể sản lượng dầu, nhiều nguồn tin nắm vấn đề đã tiết lộ như vậy.
Những nỗ lực của Mỹ diễn ra trước thềm cuộc họp quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) trong ngày hôm nay (5/10). Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ được cho là sẽ tuyên bố cắt giảm đáng kể sản lượng trong nỗ lực nhằm tăng giá dầu. Điều đó sẽ khiến giá xăng dầu tại Mỹ tăng vào thời điểm nhiều khó khăn đối với chính quyền Biden khi chỉ còn 5 tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Trong vài ngày qua, các quan chức cấp cao nhất về năng lượng, kinh tế và chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden đã tranh thủ vận động hành lang các đối tác nước ngoài của họ ở các nước đồng minh Trung Đông bao gồm Kuwait, Ả Rập Xê-út và UAE để các nước này bỏ phiếu chống cắt giảm sản lượng dầu.
Các thành viên của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ do Ả Rập Xê-út dẫn đầu và các đồng minh bao gồm Nga, còn được biết đến với tên gọi là OPEC +, dự kiến sẽ thông báo cắt giảm sản lượng có thể lên tới hơn một triệu thùng mỗi ngày. Đó sẽ là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu đại dịch và có thể dẫn đến giá dầu tăng đột biến.
Một số nội dung thảo luận mà Nhà Trắng chuyển đến Bộ Tài chính hồi đầu tuần mà CNN có được trong tay đã miêu tả viễn cảnh cắt giảm sản lượng là một “thảm họa toàn diện” và cảnh báo rằng động thái đó có thể bị coi là một “hành động thù địch”.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Điều quan trọng là tất cả mọi người đều phải nhận thức được những nguy cơ cao như thế này” từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu.
Một quan chức Mỹ khác cho biết, Nhà Trắng đang “lo lắng và hoảng sợ”. Ông này cũng miêu tả nỗ lực mới nhất của chính quyền là “quyết phải thắng” trong ván bài này. Theo một quan chức Nhà Trắng, các nội dung thảo luận đang được các nhân viên soạn thảo và chưa được lãnh đạo Nhà Trắng thông qua.
Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết, “Chúng tôi đã nó rõ ràng rằng nguồn cung năng lượng phải đáp ứng nhu cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ giá cả cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đối tác của mình về điều đó. ”
Đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, việc cắt giảm đáng kể sản lượng dầu không thể đến vào thời điểm tồi tệ như thế này. Chính quyền Mỹ trong nhiều tháng qua đã tham gia vào một nỗ lực chính sách đối nội và đối ngoại tích cực nhằm giảm thiểu giá năng lượng tăng cao sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nỗ lực của Washington dường như đã được đền đáp với việc giá xăng dầu ở Mỹ giảm trong gần 100 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên, chỉ còn một tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, giá xăng Mỹ lại bắt đầu tăng giá trở lại, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng đang cố gắng hết sức để tránh. Khi giới chức Mỹ tìm cách cân nhắc các lựa chọn tiềm năng trong nước để chặn đà tăng giá xăng dầu trong vài tuần vừa qua thì tin tức về khả năng OPEC + giảm mạnh sản lượng dầu đã đặt ra một thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với chính quyền của ông Biden.
Trước nguy cơ trên, một quan chức Mỹ thừa nhận, chính quyền của Tổng thống Biden đang cấp tập vận động hành lang để liên minh dầu mỏ do Ả-rập Xê-út dẫn đầu không cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ.