Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Tọa đàm “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/1, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định: giai đoạn đầu chống dịch theo phương châm “Zero COVID” là cách thức chống dịch phù hợp với các chủng cũ, giúp chúng ta thành công trong năm 2020, khi số lượng tiêm chủng chưa nhiều. Nhưng năm 2021, biến chủng Delta đã làm thay đổi tất cả.
"Có nhiều ý kiến cho rằng tình thế thay đổi nhưng chúng ta chậm thay đổi, ví dụ chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp cứng nhắc khi dịch đã bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía nam, dồn F1, F0 vào các khu cách ly tập trung dẫn đến quá tải trong hệ thống điều trị ở tất cả các tuyến… Chiến lược xét nghiệm rộng và nhiều cũng còn có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả, cân đối giữa hiệu quả và chi phí..." - ông Dũng nêu rõ.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng phân tích: "Ta dùng cái đó khi chúng ta là nước tiêm chủng ít nhất. Nếu chúng ta đưa ra phương châm sức khỏe người dân là trên hết, là quý giá nhất thì chúng ta phải có những biện pháp cực kỳ mạnh để không lây lan và không ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nếu tiêm đầy đủ, phủ rộng rồi thì có thể hành xử theo cách khác. Và khi có vaccine để tiêm, Việt Nam là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới và chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công."
Trả lời câu hỏi rằng "có thể chúng ta chuyển hướng chậm hay đó là lúc chín muồi nhất, không thể sớm hơn?", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, "chúng ta đưa ra những giải pháp theo tình hình đất nước và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tham khảo kinh nghiệm của các nước."
Khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý việc điều trị, giúp người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong. Vai trò trung tâm, chủ thể của người dân cũng được khẳng định mạnh mẽ, chung sức, đóng góp sức lực, cơ sở vật chất cùng các cấp chính quyền để chúng ta đẩy lùi các đợt dịch.
Hơn nữa, theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron. Nhưng chúng ta đã bao phủ vaccine đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, bảo đảm miễn dịch cộng đồng.
“Căn cứ vào thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tuỳ tính chất của từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
"Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay." - ông Phương khẳng định.
“Nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn chứng.
Tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc chúng ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa chống dịch.
Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.
Nói thêm về chiến lược ngoại giao vaccine, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay, đây là một trong những điểm sáng thời gian qua. Trước đó, Chính phủ đã lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine và chỉ đạo quyết liệt hoạt động triển khai ngoại giao vaccine.
Đến nay, chúng ta đã tiếp cận được khoảng 190 triệu liều vaccine, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vaccine là các đối tác tài trợ. Ngoài ra, chúng ta còn mua thương mại rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vaccine diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát như vậy, kết quả đó có ý nghĩa rất thiết thực để chúng ta có độ phủ vaccine.