Ngay ở thời điểm này, ngành nông nghiệp châu Âu cũng đã cảm nhận rõ sức nóng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngay ở thời điểm này, ngành nông nghiệp châu Âu cũng đã cảm nhận rõ sức nóng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong những tuần qua, những người nông dân chăn nuôi tại Pháp đã phải đối mặt với áp lực lớn từ sự tăng giá năng lượng để sưởi ấm và ngũ cốc để làm thức ăn cho đàn vật nuôi của họ. Đà tăng giá kéo dài từ năm ngoái, đang dần trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột tại Ukraine.
Bà Isbelle Leballeur - nông dân Pháp cho hay: "Giá các loại ngũ cốc dùng làm thức ăn cho vật nuôi của chúng tôi đã tăng trong suốt 15 tháng qua. Kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, giá ngũ cốc đã tăng từ 170 Euro/tấn lên 350 Euro/tấn. Trong khi chi phí ngày càng đắt đỏ, giá thịt lại không thay đổi là bao. Chi phí năng lượng cũng đang tăng mạnh. Giá điện và khí đốt đều đã tăng hơn 40%".
Còn tại Italy, ngành chăn nuôi cũng đang rơi vào tình trạng lao đao bởi không thể tìm kiếm đủ lượng thức ăn chăn nuôi cần thiết. Các số liệu cho thấy, Italy cần tới 9 triệu tấn ngô để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng sản lượng nội địa hiện chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn.
"Lượng ngô xuất khẩu từ Ukraine không quá nhiều, chỉ chiếm khoảng 13% tổng số ngô được sử dụng ở châu Âu và Italy. Tuy nhiên, khi việc xuất khẩu của Ukraine ngừng lại, các quốc gia như Moldova, Serbia và Hungary cũng ngừng theo, để đảm bảo nguồn cung cho trong nước. Tại các cảng của Italy, lượng dự trữ chỉ còn đủ cho 25 ngày", ông Michele Liverini - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Italy cho hay.
Tình hình khó khăn đến mức, nhiều chủ trang trại đã phải tính đến biện pháp cực đoan là giết bớt đàn gia súc của mình. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng lâu dài tới ngành chăn nuôi, bởi việc khôi phục sản xuất có thể mất nhiều năm.
Ông Pietro Fusco - Giám đốc điều hành công ty sữa Cirio Agricola, Italy nói: "Trước những nguy cơ hiện tại, chúng tôi sẽ phải xem xét việc giảm lượng thức ăn cho gia súc và thậm chí là giết mổ một số lượng nhất định, để cố gắng duy trì hoạt động của trang trại, bảo vệ công ăn việc làm".
Theo Reuters, châu Âu hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn ngô và ngũ cốc khác để làm thức ăn cho ngành chăn nuôi. Với việc Ukraine - một trong những nhà cung cấp chính của khối đang bị ảnh hưởng nặng nề vì xung đột, các nước châu Âu sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung từ các nơi khác, để giúp ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.