Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.
Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.
Theo Bộ Công Thương, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 7 năm 2022 ước đạt 24,327 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn khoảng 0,88 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2021 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 (Quyết định số 3063/QĐ-BCT).
Lũy kế 7 tháng năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 157,454 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,373 tỷ kWh so với Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
Cũng theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm 2022 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên cả nước nói chung, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày, trong thời gian diễn ra SEA Games 31 và trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến kế hoạch cung cấp điện các tháng còn lại của năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong Phương thức vận hành hệ thống điện tháng 8 năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 5 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 116,882 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống). Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,336 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
“Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước”, Bộ Công Thương cho hay.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài hoặc sự cố xếp chồng các nhà máy điện lớn, đường dây truyền tải quan trọng, khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.
Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nhất là dịp cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022 tại đồng bằng Bắc bộ, qua đó cho đến nay hầu hết các thủy điện đều duy trì được mực nước khá cao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.
Chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Ngoài ra, chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc.
Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực bám sát tình hình phụ tải thực tế, cập nhật dự báo phụ tải năm 2022. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch, làm việc trực tiếp với từng đối tượng khách hàng để xây dựng các giải pháp về chuyển đổi mô hình, thời gian sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp điện, tập trung vào các giải pháp khả thi, ngắn hạn có thể thực hiện được ngay.