11 chiếc máy bay 767-300 của hãng Boeing đã qua sử dụng từ Delta và WestJet đã được Amazon mua lại. Đây là những chiếc máy bay vận chuyển hàng hóa đầu tiên thuộc sở hữu của đại gia làng thương mại điện tử, từ đó thể hiện tham vọng gia nhập lĩnh vực vận chuyển của Amazon.
Những năm qua, Amazon đã không ngừng xây dựng tuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thông qua các hợp đồng thuê, mượn máy bay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Amazon sở hữu đội máy bay vận chuyển của riêng mình.
Thỏa thuận đạt được khi giá máy bay đang sụt giảm do đại dịch COVID-19. Các hãng hàng không buộc phải gấp rút giảm kích thước đội bay của họ trong tình hình nhu cầu của hành khách đang giảm mạnh do tình trạng đóng cửa các đường bay thương mại trên toàn thế giới.
Theo đại diện của Amazon, những thành viên mới sẽ bao gồm 7 chiếc máy bay từ hãng hàng không Delta và 4 chiếc máy bay từ hãng hàng không WestJet sẽ tham gia vào đội vận chuyển hàng không của Amazon bắt đầu từ năm 2022.
Trong một thông cáo báo chí, phó chủ tịch Amazon Global Air, bà Sarah Rhoads, cho biết rằng hiện tại mục tiêu của Amazon chính là tiếp tục giao hàng cho khách hàng trên toàn nước Mỹ theo cái cách mà họ mong đợi từ công ty này. Việc sở hữu máy bay của riêng mình chính là một bước tiến tự nhiên tiếp theo nhằm hướng tới mục tiêu đó. Việc kết hợp cả máy bay thuê mượn cùng với máy bay thuộc quyền sở hữu trong đội bay đang càng ngày càng lớn của Amazon, đã cho phép công ty này quản lý hoạt động của mình tốt hơn và từ đó gữ vững lời hứa với khách hàng..
Amazon đã cho ra mắt đội bay của mình vào năm 2016, với dự kiến rằng đến năm 2022, hãng sẽ có hơn 85 máy bay, bao gồm cả cho thuê và sở hữu. Sau hơn 1 năm thống kê và phân tích, Amazon đã phát hiện ra rằng họ có thể phân phối nhiều hơn 50% số lượng hàng hóa của mình tại Mỹ nếu họ có thể sở hữu toàn bộ chuỗi logistics thay vì hợp tác với các công ty vận chuyển khác như FedEx và UPS.
Những chiếc máy bay mới mua này sẽ nhắm tới mục đích giúp tăng tốc độ vận chuyển các gói hàng được mua tại Amazon, sàn thương mại điện tử đã chứng kiến nhu cầu kỷ lục trong năm 2020 do hậu quả của đại dịch COVID-19. Amazon cho biết rằng họ vẫn sẽ tiếp tục dựa vào các hãng vận tải thứ ba nhằm vận hành những chiếc máy bay mới này.
Amazon hiện đang nhanh chóng vươn mình để trở thành một công ty lớn trong thế giới vận tải. Rõ ràng, với tư cách là một trong những công ty giao nhận và logistics lớn nhất trong lịch sử, Amazon luôn được định sẵn đóng một vai trò to lớn trong cách con người và hàng hóa di chuyển trên toàn cầu.
Tuy nhiên một số giao dịch gần đây cho thấy tham vọng của Amazon không chỉ là làm chủ chuỗi cung ứng của bản thân mình.
Trước khi mua lại 11 chiếc máy bay của 2 hãng hàng không của Mỹ, Amazon đã mua lại startup xe hơi tự lái Zoox, công ty này vừa công bố mẫu taxi tự lái đa hướng ra thị trường. Không chỉ vậy, công ty của tỉ phú Jeff Bezos cũng tham gia nhiều vòng tài trợ cho công ty xe điện Rivian và đóng góp khoản tài trợ lớn 530 triệu USD cho startup xe tải và ô tô không người lái Aurora, Amazon còn mua lại bộ phận xe tự lái của Uber.
Công ty này gần đây đã xin được phép hoạt động như một hãng hàng không bay không người lái từ Cục Hàng không Liên bang (FAA). Rất rõ ràng rằng Amazon cũng quan tâm đến việc giao hàng bằng drone (máy bay không người lái). Hiện tại, công ty này đã mở đường cho quá trình cung cấp dịch vụ giao hàng bằng drone trên cơ sở thử nghiệm.
FAA nói rằng phán quyết này cho phép Amazon “phân phối các gói hàng cho khách hàng một cách an toàn và hiệu quả” và cho phép các máy bay không người lái của họ mang các gói hàng ra ngoài tầm nhìn trực quan của người điều khiển.