Cầu Thăng Long đã chính thức hoàn công sau nhiều tháng đại tu sửa chữa các dấu tích hư hỏng sau hơn 15 năm khai thác, sử dụng.
Cầu Thăng Long đã chính thức hoàn công sau nhiều tháng đại tu sửa chữa các dấu tích hư hỏng sau hơn 15 năm khai thác, sử dụng.
Sáng ngày 7/1, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành thông xe cầu Thăng Long sau nhiều tháng thi công sửa chữa mặt cầu bằng công nghệ hiện đại. Cầu Thăng Long bắc ngang qua sông Hồng và được nghiên cứu từ đầu những năm 70, bắt đầu xây dựng từ năm 1974 bởi Trung Quốc sau đó được Liên Xô hoàn thành vào năm 1985. Cầu Thăng Long chính là là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
Như vậy, sau hơn 15 năm khai thác, phần lớn mặt đường ô tô trên cầu chính đã xuất hiện dấu tích hư hỏng, cùng với các đặc điểm kết cấu phức tạp. Từ sau lần sửa chữa lớn vào năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ khác, đến nay các hư hỏng trên mặt đường vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bức xúc dư luận... Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tiến hành triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tại buổi lễ thông xe rằng việc hoàn thành sửa chữa và thông xe cho cầu Thăng Long đúng dịp cận Tết Nguyên Đán đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và phân luồng giao thông phù hợp trên tuyến giao thông quan trọng này.
Ông đánh giá cao Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với các chuyên gia đã hết sức tích cực và có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ phù hợp để sửa chữa cầu Thăng Long, đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn cùng với lao động ngày đêm để đảm bảo dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, trong thời gian tới, phải phối hợp với Hà Nội để bàn giao công trình, quá trình khai thác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn hiệu quả, trong đó cần lưu ý kiểm soát xe tải qua cầu để đảm bảo trọng tải không vượt quá và chất lượng cầu.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cũng chia sẻ tại buổi lễ rằng cây cầu Thăng Long chính là tuyến đường huyết mạch giữa thủ đô Hà Nội nối với sân bay Nội bài cùng các tỉnh phía Bắc. Việc hoàn thành sửa chữa cây cầu Thăng Long đã đảm bảo lưu thông đồng bộ xuyên suốt với tuyến vành đai 3, sẽ giảm tải cho cầu Nhật Tân cũng như giảm thiểu phát sinh ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào thành phố.
Ông Chu Ngọc Anh đã đề nghị Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, các quận huyện… tiếp tục cùng các ban, ngành liên quan khai thác dự án, kiểm soát tải trọng xe, để đảm bảo an toàn hiệu quả và nâng cao tuổi thọ của công trình.
Ngay sau khi thông xe, Sở GTVT Hà Nội cho phép các phương tiện được lưu thông qua cầu Thăng Long. Toàn bộ các tuyến xe buýt có đi ngang qua cầu Thăng Long cũng đã được phục hồi lộ trình theo như phương án vận hành trước khi sửa chữa cầu, gồm: 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, 112, CNG04 và 212.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng triển khai các phương án kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cho cầu Thăng Long, xử lý nghiêm đối với xe chở quá tải theo quy định.