Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách Trung ương ước đạt gần 927 tỷ đồng, bằng 2,86% kế hoạch; Còn 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công…
Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách Trung ương ước đạt gần 927 tỷ đồng, bằng 2,86% kế hoạch; Còn 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công…
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
"Chỉ còn một quý của năm 2022, thời gian không chờ đợi ai cả, chúng ta phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. Tôi mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải ngân tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ
Thủ tướng cho biết, năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện 505.000 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Có 12 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 70% gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.
Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỉ lệ giải ngân tốt; có 4 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021.
Còn 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công và 16 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp dưới 20%.
Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mới có 38/63 địa phương đã cân đối, bố trí trên 13.400 tỷ đồng từ vốn từ ngân sách địa phương; đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách Trung ương ước đạt gần 927 tỷ đồng, bằng 2,86% kế hoạch.
Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đã nêu rất cụ thể 25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 3 nhóm.
Nhóm khó khăn thứ nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm; Nhóm khó khăn thứ hai là công tác triển khai; Nhóm khó khăn thứ ba mang tính đặc thù của năm 2022.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chính là tổ chức thực hiện, trong đó có việc phát hiện kịp thời các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách và các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án mà khi lập dự án chưa thể lường trước được như biến động giá cả xăng dầu vừa qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.
Nhấn mạnh việc nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa, các bộ, ngành, cơ quan phải tích cực vào cuộc hơn nữa.
Thủ tướng cũng đề nghị rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.
Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác…