Tại Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ nêu rõ những chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật, trong đó có việc bỏ quy định khung giá đất; đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường...
Tại Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ nêu rõ những chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật, trong đó có việc bỏ quy định khung giá đất; đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường...
Theo đó, Dự thảo Luật đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, trách nhiệm của từng cơ quan trong quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; điều tiết thị trường, điều tiết nguồn thu từ đất theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Phân cấp mạnh về thẩm quyền gắn với kiểm tra, giám sát đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Quy định trách nhiệm, đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trong thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; quyền và nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai.
Dự thảo Luật cũng hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất. Bên cạnh các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, trên không; quyền tự đầu tư trên đất và các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng;
Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng; Giải quyết vướng mắc liên quan đến công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo Luật đã bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ ba cấp, trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất; nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; xác định khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến công trình hạ tầng và điểm kết nối giao thông; đổi mới về phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao tính khả thi, đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai.
Hoàn thiện các quy định về sự tham gia của Nhân dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin, rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.
Dự thảo cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng);
Bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo diện tích tái định cư tối thiểu và các cơ chế điều tiết cho người có đất bị thu hồi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất.
Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có đất bị thu hồi; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để đảm bảo khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp, điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện và giám sát; Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, trả tiền thuê đất hàng năm;
Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thiện quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo. Bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.
Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.
Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền của cấp huyện trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích...
Hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bổ sung các trường hợp miễn, giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, đối tượng chính sách… Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng, nguồn sinh thủy, hỗ trợ phát triển.
Về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật bổ sung 01 chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả để Nhà nước tạo quỹ đất chủ động điều tiết cung - cầu của thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai.
Phát triển thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh, ổn định thông qua các công cụ tài chính, chính sách thuế tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng; quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch; bắt buộc đăng ký giá đất, tài sản gắn liền với đất; quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp.
Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường, Dự thảo Luật mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; đồng thời giao HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể trên cơ sở điều kiện, khả năng đất đai của địa phương. Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định về tập trung, tích tụ đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Quy định cụ thể về phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, phương án giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất bàn giao cho địa phương; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm.
Về quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất ở, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển; quy định về quản lý đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 32/2021/QH15 nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng đất đai, phù hợp với thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về chuyển đổi số và cải cách hành chính, Dự thảo Luật đã quy định hành lang pháp lý cho xây dựng, cập nhật, quản lý vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc lập quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, quyết định giá đất cụ thể... Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, cắt giảm khâu trung gian, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về kiểm toán đất đai; theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và, trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau, đó là: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”.
Làm nguyên tắc định giá đất Về giá đất, tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; Đồng thời quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra; đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; UBKT cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách nhà nước. |