Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng thường trực. Tổ gồm 3 tổ phó và 9 thành viên là lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Thông tin cụ thể hơn về Tổ công tác đặc biệt này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổ phó Thường trực cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ thành lập Tổ công tác, về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác theo Quyết định 1951/QĐ-BTC.
Chức năng của Tổ công tác là tiếp nhận, tổng hợp, ghi nhận phản ánh, các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân; chuyển nội dung kiến nghị đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời Tổ công tác sẽ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc xử lý nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng kịp thời với bối cảnh Covid-19.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ là xây dựng các cơ chế, chính sách tham mưu, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, trong khâu tổ chức thực hiện có một số chính sách chưa được triển khai hiệu quả tới người dân, doanh nghiệp, Tổ công tác có nhiệm vụ tập hợp, lắng nghe phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Tại Quyết định cũng quy định rõ cơ chế phối hợp, hoạt động của các thành viên Tổ công tác được thực hiện thông qua việc họp trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng văn bản giữa các thành viên Tổ công tác. Các thành viên Tổ công tác cử cán bộ đại diện thuộc đơn vị làm đầu mối phối hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.
“Khi người dân, doanh nghiệp gửi kiến nghị, Tổ thường trực có trách nhiệm chuyển ngay đến các Vụ, Cục chức năng để xử lý theo cơ chế, sau một ngày phải có ý kiến trả lời”, Tổ phó thường trực cho biết.
Bên cạnh đó, khi trực tiếp 12 thành viên là Thủ trưởng tại các đơn vị nhận được ý kiến của người dân, doanh nghiệp rà soát thấy đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sẽ tiến hành giao các đơn vị, chức năng của mình xử lý ngay. Đồng thời chuyển thông tin tới Tổ công tác để Tổ tổng hợp thông tin, chuyển thông tin cho Tổ công tác của Chính phủ nhằm đảm bảo một thông tin tới được tất cả các Tổ công tác tránh vấn đề các thông tin đến nhiều nơi, dẫn tới phân tán, không rõ thông tin đã được xử lý chưa.
Tiếp đó khi có kết quả, Tổ công tác tổng hợp kết quả, báo cáo đồng chí Bộ trưởng -Tổ trưởng biết, đồng thời chuyển tới Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thông qua Bộ Kế hoach và Đầu tư (Tổ phó Thường trực) để biết nội dung đã được xử lý.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, trong quá trình xử lý như vậy, nhiệm vụ của Tổ là làm sao rút ngắn nhanh nhất thời gian xử lý vướng mắc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Trường hợp không đúng chức năng của Bộ Tài chính, Tổ công tác sẽ báo cáo Tổ công tác của Chính phủ thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuyển các Bộ, ngành, địa phương khác xử lý.