Theo Bloomberg, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga trở lại mức 4 năm trước chỉ trong một quý, đưa nước này vào một trong những đợt suy thoái dài nhất được ghi nhận.
Theo Bloomberg, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga trở lại mức 4 năm trước chỉ trong một quý, đưa nước này vào một trong những đợt suy thoái dài nhất được ghi nhận.
Trích dẫn số liệu từ cơ quan thống kê Liên bang Nga, Bloomberg cho biết, GDP của Nga đã giảm 4% trong quý II so với cùng kỳ, lần đầu tiên trong hơn một năm qua, song vẫn tốt hơn dự báo.
Nếu xét cả sản lượng bị mất, Bloomberg Economics cho rằng, GDP của Nga hiện tương đương với quy mô năm 2018.
Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga liên quan đến cuộc chiến đã làm gián đoạn thương mại và đẩy các ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi vào tình trạng tê liệt trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng lên. Mặc dù sự sụt giảm của nền kinh tế Nga cho đến nay vẫn không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu, song ngân hàng trung ương nước này dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong những quý tới và có thể đạt mức thấp nhất trong nửa đầu năm tới.
"Nền kinh tế sẽ tiến tới một trạng thái cân bằng dài hạn mới. Khi trải qua quá trình tái cấu trúc, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng", Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Alexey Zabotkin cho biết trong buổi họp báo tại Moscow.
Ngân hàng trung ương Nga trước đó đã thực hiện loạt biện pháp để kiềm chế sự biến động của các thị trường và đồng rúp bằng các biện pháp kiểm soát nguồn vốn và tăng mạnh lãi suất.
Các biện pháp kích thích tài chính và các đợt nới lỏng tiền tệ lặp đi lặp lại trong những tháng gần đây cũng bắt đầu có hiệu lực, làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Hoạt động khai thác dầu cũng đang được hồi phục và chi tiêu hộ gia đình có dấu hiệu ổn định.
"Cuộc khủng hoảng đang diễn ra theo một quỹ đạo rất suôn sẻ", Evgeny Suvorov, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Nga tại CentroCredit Bank, cho biết.
Trong buổi họp báo hôm qua (12/8), Ngân hàng Trung ương Nga cũng đưa ra bản dự thảo đầu tiên về triển vọng chính sách trong 3 năm tới với dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm cho đến năm 2025 sau đó trở về mức tăng trưởng tiềm năng 1,5-2,5%.
Các dự báo của ngân hàng này cho giai đoạn 2022-2024 vẫn không thay đổi, với GDP được dự đoán giảm lần lượt ở mức 4-6% trong năm nay và 1-4% trong năm tới.
Báo cáo này cũng bao gồm kịch bản được gọi là rủi ro khi các điều kiện kinh tế toàn cầu xấu hơn và xuất khẩu của Nga vẫn bị trừng phạt thêm. Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế Nga trong năm tới sẽ giảm sâu hơn so với thời kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009 và tăng trưởng sẽ chỉ trở lại vào năm 2025.
Phản ứng của giới chức Nga cho đến nay đã đảm bảo cho nền kinh tế nước này có một cú hạ cánh nhẹ nhàng hơn. Mức giảm 4% trong quý II được cho là tốt hơn so với dự báo giảm 10% của các nhà kinh tế.
Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn dự báo GDP trong quý III này sẽ giảm 7% và thậm chí giảm nhiều hơn trong quý IV.
Điều này xuất phát từ những bế tắc đối với các chuyến hàng năng lượng tới châu Âu gần đây, làm gia tăng rủi ro mới cho nền kinh tế nước này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự sụt giảm về sản lượng dầu hàng tháng sẽ bắt đầu diễn ra ngay trong tháng 8. Cơ quan này dự đoán, sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 20% vào đầu năm tới.
Trong một báo cáo về chính sách tiền tệ trong tháng này, ngân hàng trung ương nước này cũng cho rằng, sự sụt giảm trong năm 2022 sẽ thấp hơn so với dự đoán hồi tháng 4. Đồng thời, theo cơ quan này, tác động của cú sốc cung có thể kéo dài hơn.