Những người sở hữu mặt bằng bán lẻ cho thuê ở Russell Street - khu “đất vàng” của Hồng Kông đang đối mặt với một thực tế phũ phàng là thời kỳ cho thuê cửa hàng giá 1 triệu USD/tháng đã kết thúc.
Những người sở hữu mặt bằng bán lẻ cho thuê ở Russell Street - khu “đất vàng” của Hồng Kông đang đối mặt với một thực tế phũ phàng là thời kỳ cho thuê cửa hàng giá 1 triệu USD/tháng đã kết thúc.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, giá thuê mặt bằng tại ba trong số những khu vực mua sắm sôi động nhất ở Hồng Kông hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Điển hình như ở phố Russell Street thuộc khu Causeway Bay, các chủ mặt bằng đang chào với mức giá cho thuê giảm tới gần 80% so với mức đỉnh thiết lập cách đây 8 năm. Phố này vốn là nơi có giá cho thuê cửa hiệu đắt nhất thế giới cho tới tận năm 2019.
Mọi thứ đang dần trở nên khó khăn đối với các nhà đầu tư cá nhân và gia đình sở hữu mặt bằng cho thuê tại các “thánh địa” bán lẻ ở Hồng Kông. Ở thời hưng thịnh, họ có nguồn thu nhập “khủng” từ cho thuê cửa hiệu - nơi bán các sản phẩm như túi xách hàng hiệu, đồng hồ và mỹ phẩm cao cấp phục vụ dòng khách du lịch bất tận từ Trung Quốc đại lục. Giờ đây, những cửa hiệu từng bán đồng hồ Thuỵ Sỹ phải chuyển sang bán điện thoại bình dân.
Tất cả đã thay đổi sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2019. Những biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt mà Hồng Kông triển khai cũng khiến lượng du khách từ đại lục sụt giảm mạnh.
Khu Tsim Sha Tsui ở Kowloon, khu Causeway Bay và khu Central là 3 khu vực trong top 10 nơi có mặt bằng bán lẻ cho thuê đắt nhất ở châu Á năm 2020, theo dữ liệu của Cushman & Wakefield. Năm nay, do đại dịch, công ty tư vấn này không công bố báo cáo toàn cầu.
Thực ra, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ ở Hồng Kông đã trong xu hướng giảm từ cuối năm 2013, và đại dịch đã trở thành “cú đấm” mới nhất đối với lĩnh vực này. Trong quý 3 vừa qua, giá cho thuê những cửa hiệu đắc địa nhất ở khu Causeway Bay đã giảm một nửa so với cách đây 2 năm, thời điểm các cuộc biểu tình diễn ra căng thẳng ở Hồng Kông.
Tuần trước, tờ Thời báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin công ty trang sức Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd. thuê một cửa hiệu ở khu Central với giá 500.000 Đôla Hồng Kông (64.200 USD)/tháng, rẻ một nửa so với mức giá mà khách thuê trước đó phải trả.
Năm nay, một cửa hiệu ở phố Russell Street, một trong những điểm đến quen thuộc của du khách giàu có từ Trung Quốc đại lục, được một shop phụ kiện điện thoại thuê với giá khoảng 100.000 Đôla Hồng Kông/tháng. Hiện nay, cửa hiệu này lại được thuê bởi một shop bán hàng thời trang nữ bình dân, với giá 300.000 Đôla Hồng Kông/tháng – theo lời ông Robert Ma, chủ sở hữu cửa hiệu.
Năm ngoái, hãng đồ hiệu Prada phải đóng một cửa hiệu ở Russell Street. Trước đó, giá thuê hàng tháng của cửa hiệu này là 1 triệu USD, tờ Tạp chí Kinh tế Hồng Kông cho hay. Hãng đồng hồ Thuỵ Sỹ Swatch Group AG đang đẩy nhanh kế hoạch đóng vĩnh viễn một số cửa hiệu ở Hồng Kông do khách Trung Quốc bây giờ tiêu tiền chủ yếu ở đại lục thay vì sang Hồng Kông sắm hàng hiệu.
Theo giám đốc phụ trách dịch vụ bán lẻ Cynthia Ng của Colliers International, các chủ mặt bằng có cửa hiệu ở vị trí “vàng” thường đòi giá thuê cao và chỉ cho các thương hiệu lớn thuê. Nhưng tình hình hiện nay buộc họ phải thay đổi.
Theo ông Yau, dù giá cho thuê cửa hiệu ở Hồng Kông giảm liên tục những năm gần đây, chủ mặt bằng vẫn có thể kiếm tốt vì giá mua mặt bằng cũng giảm xuống so với những thập kỷ trước.
Hồng Kông trở thành một điểm đến được du khách Trung Quốc ưa chuộng, sau khi người Trung Quốc đại lục được phép nhập cảnh cá nhân vào Hồng Kông từ năm 2003, thay vì phải đi theo tour như trước đó. “Cơn khát” hàng hiệu của du khách đại lục đã tạo ra cú huých mạnh mẽ cho ngành bán lẻ của Hồng Kông, đẩy giá thuê cửa hiệu ở vùng lãnh thổ này tăng mạnh.
Tuy nhiên, “cú đấm kép” từ phong trào biểu tình 2019 và Covid-19 đã khiến ngành du lịch và bán lẻ của Hồng Kông thiệt hại nghiêm trọng.
Hiện Hồng Kông đang đàm phán với đại lục về mở cửa biên giới. Việc đi lại giữa hai bên có thể được nối lại ngay trong năm nay hoặc trong quý 1/2021, giới chức Hồng Kông cho biết. Hồng Kông hiện đang áp dụng chính sách chống Covid vào hàng nghiêm ngặt nhất thế giới, với thời gian cách ly lên tới 21 ngày đối với người nhập cảnh.
Cho dù không có biểu tình và đại dịch, Hồng Kông cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn của các thành phố ở đại lục. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ hàng xa xỉ ở đại lục đã xói mòn địa vị “thánh địa” đồ hiệu của Hồng Kông đối với du khách đại lục. Đó là lý do vì sao ông Ma dự báo giá cho thuê mặt bằng bán lẻ ở Hồng Kông sẽ không bao giờ trở lại đỉnh cũ.