Theo CNBC, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu lạm phát cao kèm suy thoái khi giá cả tiếp tục leo thang và số liệu mới nhất cho thấy ngành sản xuất giảm tốc.
Theo CNBC, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu lạm phát cao kèm suy thoái khi giá cả tiếp tục leo thang và số liệu mới nhất cho thấy ngành sản xuất giảm tốc.
Thống kê cho thấy, chỉ số giá sản xuất đầu vào trong tháng 9 tăng 10,7%, lên mức kỷ lục do tình trạng cắt điện luân phiên, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia lo ngại khi chi phí đầu vào liên tục tăng, doanh nghiệp sẽ sớm phải chuyển một phần gánh nặng vào giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
CNBC nhận định, tình huống này khiến giới chức Trung Quốc khó kích thích kinh tế mạnh tay, bởi gói kích cầu có thể khiến đẩy cao nhu cầu năng lượng và làm cho tình trạng thiếu điện tồi tệ hơn.
Kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với vô vàn thách thức. Trong quý 3/2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong 1 năm.
Ngoài tình trạng thiếu điện gây tổn hại đến hoạt động sản xuất nhà máy, tình trạng chững lại trong lĩnh vực bất động sản cũng gây tổn hại đến tăng trưởng.
Trong vài tháng gần đây, công chúng bắt đầu quan tâm nhiều đến lĩnh vực bất động sản Trung Quốc khi Evergrande và nhiều công ty bất động sản khác chật vật trả lãi trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản của Trung Quốc gặp khó khi Bắc Kinh cố gắng hạn chế tình trạng vay nợ quá mức.
Chuyên gia cao cấp tại viện Autonomous Research - bà Charlene Chu, phân tích sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Dù vậy, sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chưa đến độ niềm tin vào thị trường bất động sản sụp đổ.
Lạm phát kèm suy thoái là tình trạng khi một quốc gia đồng thời ghi nhận hoạt động kinh tế trì trệ và lạm phát tăng nhanh. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi cú sốc dầu mỏ khiến giá cả giữ ở mức cao trong thời gian dài, nhưng tăng trưởng GDP lại giảm mạnh.