Nữ hoàng Anh Elizabeth II vừa qua đời vào tối qua, hưởng thọ 96 tuổi. Trong 70 năm trị vì, bà đã tích lũy được khối tài sản riêng trị giá 500 triệu USD.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II vừa qua đời vào tối qua, hưởng thọ 96 tuổi. Trong 70 năm trị vì, bà đã tích lũy được khối tài sản riêng trị giá 500 triệu USD.
Phần lớn những gì được cho là thuộc sở hữu của Nữ hoàng thực tế thuộc về cái gọi là Công ty Hoàng gia (Royal Firm), một đế chế trị giá 28 tỷ USD mà các thành viên hoàng gia như Vua George VI và Hoàng thân Philip từng gọi là "công ty gia đình".
Vậy điều gì sẽ xảy ra với khối tài sản của Nữ hoàng Anh sau khi bà qua đời?
Thu nhập của Nữ hoàng Anh như thế nào?
Thu nhập của Nữ hoàng Anh chủ yếu đến từ khoản thuế hàng năm cho Hoàng gia Anh được gọi là Sovereign Grant (trợ cấp hoàng gia). Số tiền này được ấn định là hơn 86 triệu bảng Anh trong năm 2021 và 2022.
Khoản tiền này được phân bổ cho các chuyến công du chính thức, bảo trì tài sản và chi phí bảo trì hay vận hành Cung điện Buckingham, nơi ở của Nữ hoàng. Tuy nhiên, Nữ hoàng không nhận lương hàng năm.
Công ty Hoàng gia: Đế chế trị giá 28 tỷ USD
Công ty này còn được biết đến dưới cái tên Monarchy PLC, là một nhóm gồm các thành viên cấp cao và gương mặt đại diện của Hoàng tộc Windsor, gia đình hoàng gia trị vì do Nữ hoàng đứng đầu. Họ cùng nhau vận hành đế chế kinh doanh toàn cầu mà hàng năm đều bơm hàng triệu bảng Anh vào nền kinh tế Anh thông qua các sự kiện truyền hình và du lịch.
Nữ hoàng và 7 thành viên hoàng gia khác là thành viên của công ty này. Theo Forbes, đế chế này đang nắm giữ khối bất động sản trị giá gần 28 tỷ USD tính đến năm 2021, bao gồm: Crown Estate (tổ chức quản lý các bất động sản của Hoàng gia Anh) có trị giá 19,5 tỷ USD, Cung điện Buckingham trị giá 4,9 tỷ USD, Công quốc Cornwall trị giá 1,3 tỷ USD, Công quốc Lancaster trị giá 748 triệu USD, Cung điện Kensington trị giá 630 triệu USD và The Crown Estate ở Scotland trị giá 592 triệu USD.
Mặc dù gia đình Hoàng gia Anh không thu lợi cá nhân từ việc kinh doanh, nhưng mục đích của Công ty Hoàng gia là thúc đẩy nền kinh tế Anh thông qua việc sử dụng hiệu ứng truyền thông và dán nhãn "royal warrants", một loại tem chứng thực các sản phẩm cung cấp cho hoàng gia, từ đó mang lại sự giàu có cho Hoàng tộc Windsor.
Crown Estate
Crown Estate là một tập hợp các vùng đất và tài sản thuộc về chế độ quân chủ Anh do Nữ hoàng Elizabeth II nắm giữ. Tuy nhiên, đây không phải là tài sản riêng của Nữ hoàng, mà được điều hành bởi một hội đồng công cộng bán độc lập. Hồi tháng 6, Crown Estate công bố đạt lợi nhuận ròng từ doanh thu trong niên độ tài chính 2021-2022 là 312,7 triệu USD, tăng 43 triệu USD so với niên độ trước.
Nguồn tài trợ cho Sovereign Grant chủ yếu đến từ tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trên doanh thu, đã được ấn định ban đầu là 15%, theo Hoàng gia Anh. Khoản trợ cấp này đã tăng lên 25% trong giai đoạn 2017-2018 để hỗ trợ cho việc tân trang Cung điện Buckingham và dự kiến sẽ giảm về mức 15% trong năm 2028.
Khoản trợ cấp này được chi trả cho các chi phí chính thức như nhân viên, bảo vệ, đi lại, dọn dẹp và bảo trì. Nhưng chi phí riêng cho Nữ hoàng và đại gia đình của bà được chi trả thông qua một khoản trợ cấp riêng được gọi là Privy Purse.
Khoản trợ cấp riêng Privy Purse
Về cơ bản, Privy Purse là một danh mục các bất động sản và tài sản được ủy thác từ thế kỷ 14, mang lại thu nhập cá nhân cho Nữ hoàng từ Công quốc Lancaster.
"Cuối tháng 3/2022, Công quốc Lancaster có 652,8 triệu USD tài sản ròng, mang lại thặng dư ròng là 24 triệu USD. Những tài sản này dưới dạng bất động sản và tài sản tài chính", trang web của Công quốc Lancaster cho biết.
Tài sản ròng không được trả trực tiếp cho Nữ hoàng nhưng 24 triệu USD thặng dư bị đánh thuế và chủ yếu được sử dụng để trang trải cho những chi phí không chính thức mà quỹ Sovereign Grant không chi trả.
Tài sản cá nhân của Nữ hoàng
Theo Business Insider, Nữ hoàng Elizabeth II tích lũy được hơn 500 triệu USD tài sản cá nhân, phần lớn là nhờ đầu tư, các bộ sưu tập nghệ thuật, đồ trang sức và bất động sản, trong đó có Sandringham House và lâu đài Balmoral. Giờ đây, khi Nữ hoàng qua đời, hầu hết tài sản riêng của bà đều để lại cho Vua Charles III khi ông lên ngôi.
Nữ hoàng Anh cũng thừa kế gần 70 triệu USD từ Vương hậu (mẹ của bà) khi bà qua đời vào năm 2002, bao gồm khoản đầu tư vào tranh, bộ sưu tập tem, đồ gốm, trang sức, ngựa và thậm chí cả bộ sưu tập trứng Faberge giá trị.
Một điều khoản pháp lý đặc biệt đã được áp dụng nhằm miễn trừ thuế thừa kế khi Nữ hoàng tiếp nhận di sản mà mẹ bà để lại. Điều khoản này cũng sẽ được áp dụng cho Vua Charles III.
Tuy nhiên, Vua Charles III sẽ không được thừa kế trực tiếp đế chế 28 tỷ USD, bao gồm bất động sản ở Scotland, Crown Estate, Công quốc Lancaster, Công quốc Cornwall, Cung điện Buckingham và lâu đài Kensington. Ông chỉ được nhận tài sản cá nhân mà Nữ hoàng đã chỉ định cụ thể cho ông.