Ngày 19/5/2022, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”.
Ngày 19/5/2022, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra những quan điểm, những giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp phục hồi kinh tế, sản xuất khi dịch bệnh Covid đang dần được kiểm soát. Bởi từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Vì vậy, vào ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Hội thảo vinh dự được đón tiếp TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; TS. Lê Xuân Sang, Viện trưởng Viện Kinh tế; TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách - Văn phòng Quốc hội; TS. Phạm Đình Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ông Lê Minh Khiêm, Trưởng phòng Thuế TNDN Vụ Chính sách Thuế. Đại điện Ban Giám hiệu Nhà trường có Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh. Về phía Khoa Tài chính của Nhà trường có PGS.TS. Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa – Nguyên PCN Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cùng tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên các khóa đang theo học tại trường.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Phụ trách Khoa Tài chính gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị đại biểu, khách mời đã tham dự chương trình Hội thảo. Đồng thời, Phó Giáo sư Đinh Văn Nhã cũng bày tỏ mong muốn những tham luận được trình bày tại Hội thảo sẽ chỉ ra thực trạng triển khai chính sách, những giải pháp thiết thực, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng hiệu quả trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong tham luận “Đồng bộ, khẩn trương và hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”, PGS.TS. Đinh Văn Nhã chỉ ra 4 giai đoạn phòng chống đại dịch của nước ta và những chính sách tài khóa kèm theo. Dù đã có những kết quả nhất định nhưng nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt 4 giai đoạn này còn tồn tại một số hạn chế, đối tượng hỗ trợ phần lớn là người dân, người lao động để đảm bảo ổn định đời sống, đã sử dụng các công cụ thuế trực thu chủ yếu nên tạo ra môi trường chính sách không được công bằng, chính sách hỗ trợ tín dụng chưa rõ ràng, cụ thể, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.
Trong tham luận “Sử dụng chính sách tài chính nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội” của TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách - Văn phòng Quốc hội cũng chỉ rõ, chính sách tài chính là một trong những chính sách vĩ mô cơ bản và quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển Kinh tế xã hội; đó là tổng hợp những phương pháp, cách thức, mục tiêu, quan điểm và giải pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh hoạt động Kinh tế xã hội thông qua việc tác động vào doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các chủ thể kinh tế khác trong nền kinh tế. Chính sách tài chính và các công cụ của chính sách tài chính đã được nghiên cứu và hoạch định dựa trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế xã hội có quy mô rộng lớn, tác động lan tỏa cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp. Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022 và 2023) với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Tham luận đã đưa ra 11 giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện một số chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tham luận “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” của TS. Lê Xuân Sang cũng cho biết, các gói tài khóa tập trung vào 8 mục đích chủ yếu: Cung cấp tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp kiệt quệ tài chính và gặp khó khăn về thanh khoản; Trợ cấp trực tiếp cho người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp, với các mức cụ thể khác nhau, được công bố và thực hiện một cách công khai, minh bạch; Chi tiền mặt hỗ trợ cuộc sống cho người dân có thu nhập trung bình và thấp; Tăng chi đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thiết bị y tế, hỗ trợ các bệnh viện; Cho vay, bảo lãnh vay vốn hoặc mua lại cổ phần các công ty; Cho phép giãn, hoãn và giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, Bảo hiểm xã hội; Giảm tiền thuê đất, Bảo hiểm xã hội; Kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; Ban hành riêng gói an sinh xã hội cho các trường hợp đặc biệt. Chương trình phục hồi kinh tế (giai đoạn năm 2022 - 2023) được thiết kế để giúp hồi phục nhanh và vững chắc hơn nền kinh tế trên cơ sở Đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn và thực hiện chủ trương từ bỏ Zero Covid. Tuy còn khá sớm để đánh giá mức độ thành công của chương trình này nhưng bước đầu đã mang lại những hiệu quả tương đối tích cực.
Nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cho đến nay với diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân và tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước. Trước tình hình đó, cùng với việc sử dụng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp để điều chỉnh nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2020 và 2021, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách như: Gia hạn thời hạn nộp và giảm trừ các loại thuế; phí; tiền thuê đất.v.v… nhằm giảm áp lực cho những doanh nghiệp. Đây là những nội dung chính nằm trong tham luận “Các giải pháp về chính sách thuê nhằm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả doanh nghiệp, người dân trước tác động của dịch Covid-19 – Thực trạng và khuyến nghị” của ThS. Lê Minh Khiêm, Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính. Tham luận còn đưa ra một số giải pháp cụ thể giúp quản lý thuế theo hướng đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng; thực hiện áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt, có hệ thống trong tất cả các nghiệp vụ quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện với chi phí tuân thủ thấp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tham luận “Chính sách Bảo hiểm xã hội và An sinh xã hội hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Thực trạng và một số đề xuất” của TS. Phạm Đình Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với những nội dung có liên quan đến BHXH và an sinh xã hội, giúp người dân vững tâm vượt qua đại dịch. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tới ngày 24/11, tổng nhu cầu sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 khoảng 17.276 tỉ đồng để hỗ trợ 11,7 triệu đối tượng đã được quy định trong văn bản ban hành. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với hơn 1.000 đơn vị, tổng kinh phí cho vay 572 tỉ đồng. Tới hết ngày 6/12, đã có trên 12,454 triệu lao động được nhận hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ BHTN với tổng số tiền trên 29.464 tỉ đồng. Những giải pháp: Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng thêm quyền lợi của chế độ BHTN; Hạn chế việc người LĐ nhận BHXH một lần; Cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người lao động, cũng được đưa ra trong tham luận này.
Nhiều quan điểm, ý kiến đóng góp đến từ các vị đại biểu, khách mời tham dự đã mang đến cái nhìn đa chiều, sâu sắc về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19 tại Hội thảo. Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế phải lồng ghép, gắn kết với chương trình phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Chương trình phục hồi cũng cần gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đề án cơ cấu lại nền kinh tế (giai đoạn 2021 - 2025) nhằm bảo đảm nhất quán mục tiêu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Việc chuyển chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm năng lực y tế, an sinh, an ninh tâm lý và xã hội, tăng năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch là hoạt động vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, các kế hoạch, chiến lược phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế cần được cùng họp bàn, tích hợp, tính toán nhằm bảo đảm tính tối ưu, cân bằng và phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, quản trị vận hành chương trình phục hồi là yếu tố quyết định của thành công, từ cải tiến thể chế đến phân bổ nguồn lực và trên hết, nguồn nhân lực. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh lập trường thấu suốt giữa "sự" và "người", lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Không có con người Việt Nam kiên trì, thông minh, kỷ luật thì chúng ta sẽ không thể phục hồi nhanh và khỏe lâu dài.