Quan điểm về triển vọng đối với thị trường chứng khoán mới nổi của các ngân hàng lớn nhất Phố Wall đang hình thành hai thái cực trái ngược nhau, điển hình là Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Quan điểm về triển vọng đối với thị trường chứng khoán mới nổi của các ngân hàng lớn nhất Phố Wall đang hình thành hai thái cực trái ngược nhau, điển hình là Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Chỉ số MSCI về cổ phiếu các thị trường mới nổi đã giảm khoảng 30% kể từ đầu tháng 1/2022, phản ánh tính trái chiều mạnh mẽ trong quan điểm của các nhà đầu tư trải dài từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, chủ yếu xoay quanh câu hỏi là tình hình chứng khoán sẽ còn tệ đến mức nào.
Trong khi Morgan Stanley nhận định, thời điểm hiện tại là cơ hội vàng để săn lùng món hời, Goldman Sachs nghi ngờ về khả năng phục hồi.
Sự chia rẽ trong quan điểm diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc bán tháo toàn cầu.
Tâm lý xấu đi phần lớn là do suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng trong khu vực cũng như nhu cầu ngành chip bán dẫn. Bên cạnh đó, biến động của cổ phiếu công nghệ do lãi suất tại Mỹ đi lên cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Không những thế, giới đầu tư ngày càng ngờ vực về triển vọng kinh tế của Trung Quốc sau khi Đại hội Đảng lần thứ 20 kết thúc.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều lao dốc trong phiên đầu tuần khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thông tin về loạt nhân sự cấp cao mới.
Chỉ số Hang Seng rớt gần 10% trong phiên 24/10, mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 38% (số liệu đã điều chỉnh theo đà mất giá của đồng won so với USD). Chỉ số Taiex của Đài Loan sụt gần 40% khi tính theo thước đo tương tự.
Đợt bán tháo khiến chỉ số MSCI Emerging Markets giảm 29,8% trong năm nay và xóa sổ 2.100 tỷ USD vốn hóa các cổ phiếu cấu thành. Sự náo loạn đã thúc đẩy các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi rút hơn 70 tỷ USD khỏi khu vực.
Các chuyên gia tại Morgan Stanley tuyên bố cổ phiếu thị trường mới nổi đã chạm đáy và dự báo chỉ số MSCI tương ứng sẽ tăng 14% từ nay cho đến tháng 6/2023.
Jonathan Garner, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á và mới nổi của Morgan Stanley cho biết: “Về cơ bản, đây là khởi đầu của chu kỳ mới sau khi cổ phiếu các thị trường mới nổi sụt mạnh và rơi vào thị trường gấu dài nhất từ trước đến nay... thật phấn khích”.
Ngoài ra, trong báo cáo gần đây mà Garner là tác giả chính, ông đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên quay trở lại cổ phiếu thị trường mới nổi, trong đó đánh giá cao thị trường Hàn Quốc và Đài Loan.
Các nhà phân tích nói cả hai thị trường trên đều do nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và phần cứng công nghệ - ví dụ như TSMC và Samsung Electronics, thống trị. Hai nhóm này bị “vùi dập” nặng nề trong năm nay.
Nhưng Morgan Stanley kỳ vọng chu kỳ tồn kho của ngành sẽ bật tăng từ đáy, muộn nhất là vào quý I/2023. Điều đó sẽ giúp chỉ số Taiex và Kospi lần lượt tăng 24% và 21% vào tháng 6 năm tới.
Xem thêm: Morgan Stanley: Chứng khoán các thị trường mới nổi và châu Á đang thiết lập đáy
Tuy nhiên, trái ngược với sự tích cực của Morgan Stanley, Goldman Sachs cho rằng triển vọng của các thị trường mới nổi vẫn “chưa rõ ràng”.
Ông lớn Phố Wall dự đoán chỉ số MSCI Emerging Markets sẽ tăng 15% trong 12 tháng tới – gấp đôi khoảng thời gian cần thiết theo tính toán của Morgan Stanley.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nói rằng bước ngoặt của các thị trường mới nổi sẽ đến khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã gần với điểm kết.
Không chỉ các ngân hàng mà các nhà đầu tư cũng có ý kiến khác nhau về thị trường mới nổi. Ông Bill Maldonado, Giám đốc đầu tư của Eastspring, công ty quản lý tài sản có quy mô 220 tỷ USD tập trung vào thị trường châu Á, nói rằng việc tuyên bố đáy của các thị trường mới nổi lúc này “có vẻ hơi khiên cưỡng”. Nhưng ông nói thêm rằng một số thị trường ở châu Á rất hấp dẫn.
Xem thêm: Ngân hàng Goldman Sachs: Để giải quyết thâm hụt nguồn cung, giá dầu cần tăng cao hơn nữa