Sau lệnh cấm của Trung Quốc, làn sóng doanh nghiệp khai thác tiền mã hóa tràn vào Kazakhstan đã gây nên tình trạng thiếu hụt điện năng và mất điện trên toàn đất nước.
Sau lệnh cấm của Trung Quốc, làn sóng doanh nghiệp khai thác tiền mã hóa tràn vào Kazakhstan đã gây nên tình trạng thiếu hụt điện năng và mất điện trên toàn đất nước.
Các công ty khai thác tiền điện tử ở Kazakhstan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng trong bối cảnh hoạt động "đào coin" tăng mạnh, theo báo cáo của Financial Times .
Thời gian qua, quốc gia này đã phải vật lộn với mạng lưới năng lượng quá tải khi các "thợ mỏ" đổ xô đến từ Trung Quốc. Theo Financial Times, nhu cầu về điện của Kazakhstan đã tăng khoảng 8% kể từ đầu năm 2021, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1 - 2% mỗi năm.
Theo ước tính, có hơn 87.849 giàn khai thác Bitcoin ngốn điện năng đã chuyển từ Trung Quốc sang Kazakhstan. Giờ đây quốc gia này đang trở thành điểm nóng thứ hai thế giới - sau Mỹ về hoạt động khai thác tiền mã hóa.
Tháng trước, 3 nhà máy nhiệt điện than quan trọng nhất của Kazakhstan phải đối mặt với việc đóng cửa khẩn cấp do quá tải. Từ năm 2022, quốc gia này sẽ yêu cầu các thợ đào Bitcoin hợp pháp phải trả thêm tiền để giảm thiểu tình trạng thiếu điện.
Công ty Điều hành Lưới điện Kazakhstan (KEGOC) cũng cảnh báo rằng họ sẽ bắt đầu phân bổ nguồn điện cho 50 công ty khai thác tiền điện tử được chính phủ đăng ký, theo Financial Times.
Theo ông Alan Dorjiyev, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain và Công nghiệp Trung tâm dữ liệu Kazakhstan, việc củng cố lại số lượng “thợ đào” là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng lâu dài của đất nước.
Từ năm 2022, Kazakhstan sẽ áp dụng mức thuế mới là 0,0023 USD cho mỗi kilowatt/giờ được sử dụng bởi các công ty đã đăng ký. Đối với các công ty khai thác trong tương lai, nhà chức trách đang cân nhắc luật mới để giới hạn bất kỳ hoạt động mới nào ở mức 1 MW điện cho mỗi cơ sở, với giới hạn quốc gia là 100 MW.
Bất chấp những thách thức, khai thác tiền điện tử được xem là một công cụ hái ra tiền cho nền kinh tế Kazakhstan. Ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ mang lại 1,5 tỉ USD trong 5 năm tới, kho bạc nước này sẽ được hưởng lợi từ 300 triệu USD thu nhập từ thuế.
Kazakhstan hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn dành cho các công ty khai thác tiền điện tử vì giá điện tương đối thấp, môi trường pháp lý thân thiện và tiềm năng năng lượng tái tạo chưa được khai thác, bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. BIT Mining, công ty hàng đầu trong ngành gần đây đã rời khỏi Trung Quốc và lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu 40 MW tại Kazakhstan.
Xem thêm: Đồng Tether USDT bị ‘tố’ lừa đảo, có khả năng phá huỷ toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử
Công ty tiền điện tử có trụ sở tại Kazakhstan, Xive, cung cấp không gian và năng lượng cho các giàn khai thác tiền điện tử, gần đây đã buộc phải đóng cửa hơn 2.500 máy khai thác do sự cố năng lượng.
Các vấn đề năng lượng liên quan đến tiền điện tử không chỉ giới hạn ở Kazakhstan. Iran đã cấm khai thác tiền điện tử trong 4 tháng như một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng mất điện.
Trong khi đó, các công ty khai thác tiền điện tử đang di chuyển hàng loạt đến Texas, nhờ chi phí điện năng rẻ và các quy định được nới lỏng. Các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu điện sẽ đạt trên 5.000MW, điều đặc biệt đáng lo ngại khi Texas vừa trải qua một đợt mất điện lớn vào đầu năm nay.